Dân sinh

Nỗi ám ảnh mang tên lá ngón ở Măng Ri

Ở ốc đảo Măng Ri, lá ngón mọc tràn lan khắp mọi nơi như một nỗi ám ảnh, bởi khi buồn phiền, bế tắc nhiều người lại tìm đến cây này để giải thoát cuộc đời.

Loài cây chết chóc

Lá ngón hay còn gọi là đoạn trường thảo, một loài cây chứa chất kịch độc. Nạn nhân khi ăn nhầm lá ngón có triệu chứng đau đớn tột cùng như đứt từng khúc ruột, chết trong đau đớn. Dù vậy, tại ốc đảo Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, người bản địa coi loại cây kịch độc này là “vị thuốc” để kết thúc cuộc đời tẻ nhạt, bế tắc.

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp đặt chân đến ốc đảo Măng Ri, nơi quanh năm sương mù bao phủ. Mùa này, trời mưa như trút nước, trên cung đường vào làng Đăk Dơn nhớp nháp bùn đất càng khiến ngôi làng trở nên đìu hiu, hoang lạnh.

Dừng chân tại một quán nước nhỏ ven đường nơi đầu làng, chúng tôi được chị Lê Thị H. (chủ quán) kể cho nghe nhiều câu chuyện nhuốm màu hồng hoang nơi ốc đảo. Đặc biệt, câu chuyện buồn về nỗi ám ảnh mang tên lá ngón. Chị H. cho hay: “Nhiều người dân bản địa nơi đây nhận thức còn hạn chế khi cảm thấy cuộc sống bế tắc hay vợ chồng cãi nhau đều tìm đến lá ngón để kết thúc cuộc đời. Ở vùng đất này, năm nào cũng có vài trường hợp ăn lá ngón tự tử.

Theo chị H. xứ sở này lá ngón rất dễ tìm bởi loại cây này mọc ở khắp mọi nơi, hai bên đường, khe suối, thậm chí len lỏi tận trong nương rẫy của người dân. 

Theo sự chỉ dẫn của chị H. chúng tôi tìm đến nhà chị Y Lem (34 tuổi). Chồng chị vì một phút nông nổi đã lên rừng ăn lá ngón kết thúc cuộc đời. Ngôi nhà chị trống vắng, không có vật dụng gì đáng kể, mái nhà rung lên bần bật mỗi khi gió lùa về. Vào góc nhà, chị lôi ra manh chiếu cũ, sợi xơ xác, rời rạc như chiếc lưới đánh cá ngượng ngùng trải ra giữa nhà mời khách ngồi.

Căn nhà tuềnh toàng của chị Y Lem.

Gương mặt mếu máo, đôi mắt chuẩn bị rơi lệ, dường như chị vẫn chưa thể nào quên được buổi sáng định mệnh ngày hôm ấy. Đưa tay, quệt những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt rám nắng, chị kể: "Hôm đó, mình đang làm trên rẫy thì nghe người làng gọi điện báo rằng chồng mình anh A Kíp vừa nhai lá ngón tự tử. Mình bỏ lại tất cả đồ đạc, tức tốc chạy bộ hơn 10km từ trên rẫy trở về nhà nhưng anh đã bỏ mẹ con minh ra đi".

Chị Lem chia sẻ: “A Kip là công nhân của 1 doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn xã Măng Ri. Trước đó hơn nửa tháng, anh Kíp chẳng buồn đi làm chỉ suốt ngày nhậu nhẹt. Thấy chồng bỏ bê công việc, mình khuyên nhủ chồng tu chí làm ăn. Nhưng bỏ mặc ngoài tai những lời khuyên của mình, A Kíp cứ lao vào những cơn say quên ngày quên tháng”.

“Sau những lẫn cãi vã A Kíp lên rừng nhai lá ngón rồi quay lại clip tuyệt mệnh trên điện thoại. Ăn xong thứ lá độc, A Kíp về làng tiếp tục uống rượu. Uống được vài ly, A Kip có biểu hiện trúng độc, đau bụng quằn quại. Sau đó mọi người đưa A Kip đến trạm xá nhưng chẳng kịp. Mình buồn lắm, vợ chồng chỉ mới cãi nhau mấy câu mà không ngờ A Kíp lại nghĩ quẩn như vậy. A Kíp mất rồi để lại cho mình đứa con mới lên lớp 8. Không biết tới đây 2 mẹ con biết sống thế nào", chị tâm tư.

Chị Lem ngậm ngùi: “Mấy bữa nay, trời mưa lớn không đi làm được, nhà lại hết tiền mình phải mua nợ thức ăn ở tiệm tạm hóa gần đó. Trước kia, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào đồng lương công nhân của chồng. Giờ A Kíp ra đi,  nhà chỉ có 2 mẹ con trống vắng, hiu quạnh lắm ”.

Theo chị Lem, ở vùng đất này đâu đâu cũng thấy lá ngón, cây này mọc đầy rìa đường, bờ nương, mọc từ trên rừng xuống khe suối. Có mảnh vườn đất bạc màu, cây sắn không lên được nhưng lá ngón vẫn sống tốt, nở hoa vàng chóe cả núi đồi. Người ta bảo rằng lá ngón là thứ nhanh nhất để quên đời.

Cuộc chiến bài trừ lá ngón

Không xa nhà chị Lem là nhà Y Mếp (29 tuổi) cũng vừa trải qua nỗi đau mất chồng cũng bởi thứ cây kịch độc này.

Vợ chồng Y Mếp cưới nhau hơn 11 năm nay và có với nhau 2 mặt con. Đứa lớn mới lên lớp 5, đứa nhỏ nhất chưa cai sữa. Hai vợ chồng Y Mếp đã cố gắng làm ăn nhưng cũng chẳng thể khấm khá nổi. Mấy tháng nay chị Mếp nghỉ sinh, chuyện kiếm tiền đè nặng lên đôi vai A Mriêng, chồng Mếp. Có lẽ, những khó nhọc đời thường đã khiến chồng Mếp tìm đến cách quên đời làm con “ma núi”.

Chị Y Mếp chưa nguôi ngoai sau nỗi đau mất chồng. 

Ngoài trời mưa rơi càng nặng hạt, khiến căn nhà chị thêm hoang lạnh. Trên tay bế đứa con nhỏ, đôi mắt vô hồn nhìn mưa rơi ngoài cửa sổ cố kìm nén nước mắt chị kể, như mọi ngày sáng sớm A Mriêng ra khỏi nhà. Cứ ngỡ chồng đi làm như mọi ngày nên chị không để ý. Đến trưa, chị Mếp nhận được điện thoại của chồng thông báo vừa ăn xong mớ lá ngón. Thông qua điện thoại, Mriêng chỉ cho vợ vị trí của mình rồi tắt máy. Gửi đứa con út cho hàng xóm, cùng người nhà tất tả đi tìm chồng trong nước mắt.

Vài giờ sau, A Mriêng được tìm thấy nằm bên bìa rừng, người tím tái. Chị Mếp ngã gục trong nỗi đau mất chồng. Sợ đứa con đầu biết chuyện cha đã mất, ngày tổ chức tang lễ chị gửi con ở nhà họ hàng. Thế nhưng, thằng bé lâu lâu vẫn vô tư hỏi cha đi đâu sao mãi chưa về. Mỗi lúc như vậy tim chị Mếp như thắt lại. Chị đành nuốt nước mắt dỗ dành con rằng cha đi làm xa chưa về.

“Đến giờ mình cũng chẳng biết vì sao chồng mình lại tự tử. Cũng chẳng biết anh ấy buồn chuyện gì mà đến nông nỗi như vậy. Giờ mình vẫn chưa dám nói với con rằng cha nó đã mất, ước gì trên đời này không có cây lá ngón…”, chị Mêm nói.

A Mriêng chết để lại người vợ trẻ cùng 2 đứa con bơ vơ, bấu víu nuôi nhau như cỏ dại giữa rừng. Chị Mếp bảo rằng trời mưa mấy ngày rồi, chị không đi làm được. Nhà hết thức ăn, mấy mẹ con chỉ ăn cá khô với rau dại.

Theo UBND xã Măng Ri, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 3 vụ tự tử. Đặc biệt 2 vụ tự tử gần nhất chỉ cách nhau chưa đến nửa tháng. Trong đó, có hộ Y Lem thuộc diện hộ nghèo của xã. Kinh tế gia đình Y Lem đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Chính quyền địa phương vận động người dân xoá sổ cây lá ngón.

Đã từ lâu, ở Tu Mơ Rông luôn luôn tồn tại một cuộc chiến giữa những người luôn xem nhẹ cái chết và những người đi tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tự tử bằng lá ngón. Chính quyền thì nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn, còn người dân hễ buồn lại tìm đến lá ngón như một sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất, vòng luẩn quẩn ấy cứ mãi xoay tròn không có hồi kết.

Bà Y Ai, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, để hạn chế, ngăn chặn mối họa này, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các địa phương đã trăn trở tìm giải pháp. Nhiều địa phương đã và đang quyết tâm thực hiện "cuộc chiến" loại bỏ thứ cây chết chóc ấy ra khỏi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Như ở Măng Ri, phong trào nhổ bỏ cây lá ngón được thực hiện ở nhiều nơi và được người dân rất đồng tình ủng hộ, hăng hái tham gia.