Dân sinh

Nỗ lực kiến tạo sức sống mới cho thổ cẩm

Không chỉ gìn giữ, bảo tồn, nhiều nghệ nhân trong các buôn làng còn không ngừng đổi mới, sáng tạo để sản phẩm thổ cẩm sống lại và ngày càng vươn xa hơn.

Miệt mài gìn giữ, trao truyền

Thổ cẩm không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa đặc trưng của từng dân tộc mà còn là sự khéo léo của người phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, các sản phẩm thổ cẩm đang mất dần vị trí và đứng trước nguy cơ mai một.

Trước tình hình này, với tình yêu nghề, trách nhiệm với truyền thống ông cha, nhiều nghệ nhân trong các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã miệt mài gìn giữ, trao truyền để thổ cẩm sống lại.

Theo đó, dù công việc nương rẫy bận rộn nhưng hàng ngày, những người phụ nữ trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning (xã Dray B’hăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vẫn tranh thủ thời gian rảnh để dệt vải tạo ra những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu.

Nhiều nghệ nhân miệt mài truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. 

Được biết, tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning được thành lập năm 2021 với 6 thành viên là những người thợ dệt giỏi.

Sau 2 năm thành lập, các thành niên Tổ hợp tác không chỉ làm sống lại nghề dệt truyền thống của buôn mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ từ nghề dệt, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning đã liên kết với một nhà may lớn ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin chuyên thiết kế trang phục từ thổ cẩm. Sau khi hoàn thành, sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác có đầu ra ổn định đã giúp mỗi thành viên trong tổ có thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng.

Là Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning, chị H’Neo Bdap cho hay, trước đây, tất cả phụ nữ trong buôn đều biết dệt vải. Mỗi khi sản phẩm thổ cẩm hoàn thành, mọi người rủ nhau đi bộ, đạp xe đạp đến các buôn khác để bán. Thế nhưng, việc dệt vải mất rất nhiều thời gian nhưng rất khó để bán được một tấm thổ cẩm. Do đó, các chị em trong buôn không để dựa vào nghề để sống mà chỉ làm tranh thủ lúc nông nhàn, còn thời gian vẫn tập trung trên nương rẫy.

Các sản phẩm thổ cẩm thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên.

Tương tự, bà H’Rưm Hmok (SN 1957, trú tại xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) chia sẻ, bản thân bà biết dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ, nhưng sau này sản phẩm dệt ra không biết bán cho ai nên việc dệt cũng thưa dần. Trong khi đó, gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, chồng bị tai nạn và không thể lao động nên mọi gánh nặng kinh tế đều đè lên đôi vai của bà. Hai năm nay, nhờ việc tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning đã giúp bà H’Rưm có thời gian lo việc nhà, chăm sóc gia đình và có mức thu nhập ổn định khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc mang lại nguồn thu nhập ổn định, chị H’Neo chia sẻ, niềm mong mỏi lớn nhất của các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning là tập hợp nhiều người tham gia giữ và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần giữ gìn nét đẹp thổ cẩm của dân tộc mình và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning thu hút những người thợ dệt giỏi.

Để thổ cẩm vươn xa

Với mong muốn thích ứng với cuộc sống hiện đại và tìm đất sống cho thổ cẩm, nhiều chị em trong các buôn làng của tỉnh Đắk Lắk còn không ngừng đổi mới, sáng tạo, kết hợp nét đẹp hoa văn, màu sắc thổ cẩm với chất liệu mới. Đồng thời, ứng dụng công nghệ vào dệt thổ cẩm, cách tân tạo ra những sản phẩm đẹp, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Theo đó, trên cơ sở kinh nghiệm may mặc của bản thân, năm 2018, chị H’Ler Êban (SN 1975, trú tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã dùng tất cả nguồn thu nhập của gia đình để thành lập nhà may Amí Sia. Các sản phẩm may mặc của chị được kết hợp từ hoa văn thổ cẩm với chất liệu hiện đại.

Chị H’Ler Êban không dừng đổi mới, sáng tạo, tự tay thiết kế những mẫu trang phục thổ cẩm cách tân. 

Quá trình hoạt động, chị H’Ler đã tập hợp nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm trên địa bàn tỉnh dệt thổ cẩm để bán cho mình. Đồng thời, chị tự tay thiết kế, cắt may các mẫu trang phục thổ cẩm cách tân với phương châm “hiện đại hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Để khắc phục điểm yếu thô rát, không thoải mái của trang phục thổ cẩm trước đây, chị H’Ler đã tìm chất vải thun gân ngang phối với các hoa văn, họa tiết được dệt thủ công để thiết kế trang phục.

Theo chị H’Ler, việc cách tân sản phẩm với nhiều mẫu mã vừa phù hợp xu thế thị trường mà lại nâng cao giá trị văn hóa truyền thống trên mỗi bộ trang phục của người đồng bào dân tộc Ê Đê. Nhờ vậy, không chỉ khách hàng trong nước mà Việt kiều ở nước ngoài cũng đặt mua sản phẩm thổ cẩm cách tân của chị.

Đến nay, nhà may Amí Sia đã bán hàng nghìn sản phẩm trang phục thổ cẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Từ đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 thợ may và 10 nghệ nhân dệt, với mức thu nhập từ 3 triệu đến 4,5 triệu đồng/tháng.

Thổ cẩm gắn liền với đời sống, văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên. 

Với kinh nghiệm 15 năm dệt vải, nghệ nhân H’Luin Adrơng (trú tại buôn Ju, xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã thiết kế những chiếc váy, áo cưới thổ cẩm cách điệu nhẹ nhàng, mềm mại, đẹp mắt giúp thổ cẩm có cơ hội phát triển.

Đến nay, những chiếc váy cưới bằng thổ cẩm của chị H’Luin không còn xa lạ với khách hàng. Chị đã cho ra mắt hơn chục mẫu váy cưới thổ cẩm đáp ứng nhu cầu của đông đảo giới trẻ và được người tiêu dùng yêu thích.

Các thành viên trong Câu lạc bộ dệt thổ cẩm của người Ê Đê buôn Drai H’ling nỗ lực truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho người dân trên địa bàn. 

Để thổ cẩm còn mãi với thời gian, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND xã Hòa Xuân, Tp.Buôn Ma Thuột tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ dệt thổ cẩm của người Ê Đê buôn Drai H’ling và tổ chức thành công lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ Ê Đê trên địa bàn xã Hòa Xuân.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay, các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ tự hào, tự tôn dân tộc và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề nghề dệt của dân tộc mình.

Đồng thời, góp phần phát triển dệt thổ cẩm gắn với du lịch, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, giúp cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Khánh Ngọc