Tài chính - Ngân hàng

Nỗ lực để nền kinh tế không rơi vào khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm

Năm 2018, nền kinh tế của Việt Nam đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhiều chỉ số tăng trưởng ở mức cao, thậm chí vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lo ngại, trong nhiều thập kỷ gần đây cứ khoảng 10 năm, nền kinh tế của Việt Nam lại rơi vào khủng hoảng. Nếu theo đúng chu kỳ này thì năm 2019 sẽ là năm kinh tế của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể khủng hoảng.

Nhân dịp năm mới, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội để có những góc nhìn đa chiều về nguy cơ Việt Nam rơi vào khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm.

PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội

Thưa PGS.TS, ông có thể đánh giá tổng thể về bức tranh kinh tế của Việt Nam 2018? Theo ông, trong năm vừa qua, kinh tế vĩ mô có điểm nhấn gì đặc biệt?

Năm 2018 mà chúng ta vẫn hay nói là giữa nhiệm kỳ, đây là một năm rất quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm thực hiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.

Năm 2018 có nhiều dấu ấn thể hiện tính tích cực của nền kinh tế. Điển hình là môi trường kinh tế vĩ mô giữ được mức ổn định, khá vững chắc. Điều này thể hiện qua các chỉ số rất quan trọng như lạm phát giữ được dưới 4%. Bên cạnh đó, mặc dù có những biến động cục bộ ở một số thời điểm khi đồng đô la và lãi suất tăng giá, nhưng về cơ bản thị trường tiền tệ, tỉ giá hối đoái vẫn ổn định. Ngoài ra, tỉ lệ tiền dự trữ Nhà nước tăng khá cao. Đây là yếu tố để chúng ta đảm bảo nguồn lực, cân đối các nguồn ngoại tệ, phục vụ cho nhập khẩu của nền kinh tế ở mức độ cao.

Năm 2018 là năm thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng các chỉ số vĩ mô chúng ta vẫn giữ được ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với 2 năm trước. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước 2018 tăng vượt trội với hơn 10%. Khoảng hơn chục năm nay thì công nghiệp mới tăng trưởng đạt cao như vậy.                 

Sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất nông nghiệp dự báo tăng trên 3,6%. Tính trong khoảng 20 năm qua, năm 2018 chúng ta có thắng lợi cao nhất trên mặt trận nông nghiệp. Một yếu tố nữa cũng tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế là kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trên 11%, trong khi mục tiêu đề ra là từ 7 – 8%, tức là vượt hơn 1,5 lần so với mục tiêu.

Năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục, cao hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Vậy theo ông, nội lực của nền kinh tế Việt Nam năm 2018 – 2019 so với khu vực và thế giới ở mức như thế nào?

Trước hết, chúng ta đã có nhiều đổi mới, tạo ra những động lực, cú hích quan trọng giúp các thành phần kinh tế trong nước phát triển tốt hơn.

Điểm cần nhấn mạnh là môi trường đầu tư, có 2 vấn đề căn bản. Thứ nhất, chúng ta đã cắt giảm rất quyết liệt các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Điều đó thể hiện bằng các văn bản của Chính phủ bắt đầu đi vào cuộc sống. Thứ hai là chúng ta kiên định về mặt chủ trương khoảng 3 – 4 năm nay và khả năng tiếp tục 2 năm nữa là không điều chỉnh chính sách thuế, tăng thuế, mà vẫn giữ ổn định, thậm chí là miễn giảm cho nhiều lĩnh vực. Cho nên nó có tác động lớn giúp cho các doanh nghiệp đang hoạt động, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa khởi nghiệp.

Một động lực nữa bắt đầu từ năm 2018 và có thể đến 2019 tác động sẽ mạnh mẽ hơn, đó chính là chúng ta đã đưa vào cuộc sống hàng loạt các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều đáng chú ý nữa là, năm 2019 sẽ thể hiện rõ hơn thành quả gần 4 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Chúng ta bắt đầu khởi xướng cơ cấu lại nền kinh tế từ những năm 2014, 2015. Sau 3 – 4 năm đã có những biểu hiện tích cực về thành quả cơ cấu lại nền kinh tế. Cách đây khoảng 4 năm, ít người nói về vấn đề phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch và tất cả các ngành chế biến phát triển theo hướng kinh tế xanh.

Theo kinh nghiệm của thế giới, khi mới bắt đầu cơ cấu lại nền kinh tế thì ở những năm đầu tiên kinh tế sẽ khó tăng trưởng tốt. Phải có giai đoạn chuyển giao, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, đổi mới thị trường, phát triển theo chiều sâu... nên tăng trưởng những năm đầu cơ cấu lại nền kinh tế sẽ bị chậm lại.

Nhưng đến năm 2018 thì tác động của cơ cấu lại đã bắt đầu có hiệu quả và có thể có biểu hiện rõ nét hơn đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2019.

Một số ý kiến lo ngại về khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam theo chu kỳ cứ 10 năm/lần và nếu đúng như vậy thì đến 2019, chu kỳ sẽ lặp lại. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nói đến khủng hoảng kinh tế trước đây diễn ra ở trong nước tại một số thời điểm như cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước và đến những năm cuối thập kỷ đầu của thế kỷ 20, rồi đến thời điểm này. Có lẽ chúng ta phải nên nhìn nhận rất rõ về những đợt nền kinh tế phát triển chậm lại, thậm chí trì trệ, tăng trưởng giảm, lạm phát cao...

Thực ra, sâu xa mà nói, điều đó không phải xuất phát từ nội tại nền kinh tế của Việt Nam. Những thời điểm đó là thời điểm nền kinh tế của chúng ta bị ảnh hưởng tác động của khu vực và khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế của thế giới.

Bởi vì, ngay từ khi đổi mới, độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã tương đối cao, trong khi đó sức chịu đựng của nền kinh tế trong nước còn yếu nên khi “gió” không tốt từ bên ngoài vào sẽ khiến “sức khỏe” của nền kinh tế yếu thêm. Chính vì thế, ở những thời điểm đó, kinh tế của chúng ta cũng bị khủng hoảng, sản xuất bị đình đốn, lạm phát tăng, kinh tế vĩ mô bất ổn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo tôi, mặc dù biến động của kinh tế thế giới vẫn có những xáo trộn nhất định, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến vĩ mô như cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ tăng thêm một đợt lãi suất trong năm. Nó ảnh hưởng đến áp lực điều hành tỉ giá, ảnh hưởng đến cân đối, cung cầu ngoại tệ, thương mại... Nhưng mà cơ bản nhất là năm 2019, chúng ta không lo kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái tiền khủng hoảng, chứ chưa nói là khủng hoảng. Chúng ta sẽ bằng mọi cách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặc dù có thể có áp lực, nhưng về vấn đề tỉ giá chúng ta có đủ nguồn lực dự trữ để cân đối. Ngoài ra, trong bối cảnh như vậy, chúng ta có thể chấp nhận điều chỉnh tỉ giá cho linh hoạt, phù hợp với biến động của thị trường thế giới.

Tình hình trong nước, nợ công hiện nay Việt Nam giữ được mức độ khá an toàn so với yêu cầu và an ninh tài chính của chúng ta.

Về cơ bản, chúng ta có thể khẳng định năm 2019, Việt Nam có đầy đủ các điều kiện về vi mô, về chính sách, về tư tưởng, chủ trương và quan điểm để cuộc khủng hoảng hoặc tiền khủng hoảng kinh tế không diễn ra.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Nguyễn Hường