Thế giới

Nổ lớn ở Kiev và nhiều vùng của Ukraine sau khi soái hạm Nga bị đánh chìm

Truyền thông Ukraine đưa tin về tình trạng mất điện ở nhiều khu vực thuộc Kiev theo sau các vụ nổ. Còi báo động không kích vang lên ở tất cả các miền của Ukraine.

Những tiếng nổ mạnh đã được nghe thấy ở Kiev vào đầu ngày 15/4, và còi báo động không kích rền vang trên khắp Ukraine sau khi có thông tin xác nhận từ phía Nga rằng chiến hạm hàng đầu của Moscow ở Biển Đen bị chìm sau một vụ hỏa hoạn.

Các vụ nổ được ghi nhận lúc sáng sớm được cho là sự vụ đáng kể nhất ở vùng thủ đô của Ukraine kể từ khi Quân đội Nga rút khỏi khu vực này hồi đầu tháng 4 để chuẩn bị cho các trận đánh ở miền Nam và miền Đông Ukraine.

Không có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại sau các vụ nổ được ghi nhận ở vùng Kiev ở miền Bắc, thành phố Kherson ở miền Nam, thành phố Kharkiv ở miền Đông và thị trấn Ivano-Frankivsk ở miền Tây.

Truyền thông Ukraine đưa tin về tình trạng mất điện ở nhiều khu vực của vùng Kiev theo sau các vụ nổ.

Còi báo động không kích đã vang lên ở tất cả các miền của Ukraine lúc nửa đêm về sáng ngày 15/4, và âm thanh báo động vẫn tiếp tục được nghe thấy ở các khu vực Luhansk và Zaporizhzhia ở miền Đông, ngay cả khi màn đêm yên tĩnh đã quay trở lại những khu vực khác của đất nước, truyền thông Ukraine cho biết.

Reuters không thể xác minh ngay lập tức các báo cáo.

Cảnh đổ nát do pháo kích ở thị trấn Borodianka, gần thủ đô Kiev của Ukraine. Ảnh: The Guardian

Liên quan đến vụ soái hạm Moskva của Hải quân Nga bị chìm ở Biển Đen, Kiev tuyên bố nhận trách nhiệm, cho biết rằng chiếc tuần dương hạm của Nga đã bị trúng tên lửa của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận con tàu bị chìm vào cuối ngày 14/4 khi nó đang được kéo về cảng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ám chỉ đến vụ chiến hạm bị chìm trong một bài phát biểu video vào sáng sớm ngày 15/4.

Nếu con tàu nặng 12.490 tấn mang tên Moskva của Nga được xác nhận là chìm do bị đối phương tập kích, nó sẽ là chiến hạm lớn nhất bị phá hủy bởi hành động của phe đối địch kể từ Thế chiến II. Và điều này, theo bình luận của trang Marca (Tây Ban Nha), chắc chắn sẽ giáng một đòn mạnh vào các kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

CIA: "Không thể coi thường" đe dọa leo thang hạt nhân của Nga

Nga là một trong những cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Theo ước tính của các chuyên gia, Moscow có khoảng 1.500 đầu đạn đang được "triển khai", tức là chúng đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên máy bay ném bom hoặc ở các tàu ngầm ngoài biển.

Vài ngày sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị lực lượng răn đe hạt nhân Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 14/4 cảnh báo, không thể xem nhẹ mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, hãng thông tấn AFP đưa tin.

Trong một bài phát biểu trước sinh viên tại Học viện Công nghệ Georgia ở Atlanta, ông Burns cho rằng có những sự kéo lùi trong chiến dịch của Nga ở Ukraine; điều này, kết hợp với một số yếu tố khác, rất có thể khiến ông Putin phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc năng suất thấp.

Tuy nhiên, Mỹ chưa thấy "nhiều bằng chứng thực tế" củng cố mối lo ngại trên, Giám đốc CIA cho biết.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns. Ảnh: Daily Mail

"Tất nhiên là chúng tôi rất lo ngại. Tôi biết Tổng thống Biden quan tâm sâu sắc đến việc tránh một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, tránh chạm đến ngưỡng mà xung đột hạt nhân có thể xảy ra", ông Burns cho biết.

Nga có nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật, có sức công phá kém hơn quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima trong Thế chiến II, AFP cho biết.

Theo AFP, học thuyết quân sự của Nga có một nguyên tắc gọi là leo thang để giảm leo thang, nghĩa là phóng một vũ khí hạt nhân tấn công đầu tiên với năng suất thấp để giành lại thế chủ động nếu mọi thứ trở nên tồi tệ trong một cuộc xung đột sử dụng vũ trang thông thường với phương Tây.

Nhưng nếu theo giả thuyết trên, NATO sẽ phải can thiệp quân sự trên thực địa ở Ukraine, và đó không phải là điều Tổng thống Biden cho rằng có khả năng xảy ra.

Minh Đức (Theo Reuters, Marca, NDTV)