Sự kiện

Nợ 50 tỷ tiền ăn, uống tiếp khách không có trả, Huyện lại đề nghị xây tượng đài 20 tỷ từ nguồn ngân sách

Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) giai đoạn 2013 - 2015 nợ tiền ăn uống, tiếp khách, mua sắm trang thiết bị số tiền 50 tỷ đồng, người dân đòi nhiều lần không có trả. Mới đây, huyện này lại có văn bản xin tỉnh cho xây dựng tượng đài 20 tỷ từ tiền ngân sách.

Tháng 3/2020, dư luận tại địa phương và cả nước xôn xao trước thông tin báo chí đăng tải, cơ quan UBND huyện và Huyện ủy Yên Định (Thanh Hóa) giai đoạn 2013 - 2015 nợ 50 tỷ tiền ăn uống, tiếp khách, xăng xe, mua sắm... nhưng không có tiền trả.

Chủ nợ là hàng chục cán bộ, nguyên cán bộ đang công tác tại 2 cở quan này. Phần lớn họ phải vay mượn tiền, có người lên tới hàng tỷ đồng để trả tiền tiếp khách, ăn uống, xăng xe, mua sắm, hội nghị theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện, với lời hứa sẽ làm hồ sơ thanh quyết toán sau.

Sau nhiều lần đòi tiền không được, do áp lực nợ nần, nhiều người đã kéo tới hai cơ quan này gây áp lực đòi nợ và gửi đơn tới các cơ quan chức năng "kêu cứu".

Ngày 15/3, Thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản giao Ủy ban kiểm tra vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ để kịp thời xử lý. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đang làm việc, chưa có kết luận cuối cùng về sự việc để thông tin tới công luận.

Ngày 15/5, ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch đã thay mặt UBND huyện Yên Định ký văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo, xin chấp thuận cho địa phương này xây tượng đài Bà Triệu. Điều đáng nói là, dự kiến kinh phí xây dựng tượng đài lên tới 20 tỷ đồng bằng tiền ngân sách và huy động nguồn hợp pháp khác.

Trụ sở UBND huyện Yên Định - cơ quan vừa có văn bản xin tỉnh Thanh Hóa cho xây tượng đài 20 tỷ từ nguồn ngân sách.

Theo văn bản của huyện Yên Định, Bà Triệu - Người anh hùng dân tộc là người con của Yên Định, bà sinh ở làng Quan Yên (nay là thôn Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, vì thế việc xây tượng đài là cần thiết.

"Việc xây dựng tượng đài Bà Triệu trên quê hương bà là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời là biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước không chịu khuất phục trước kẻ thù của dân tộc Việt Nam cho thế hệ hiện tại và mai sau" - báo cáo nêu.

Từ mục đích, ý nghĩa trên, UBND huyện Yên Định đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, chấp thuận chủ trương để huyện Yên Định có cơ sở triển khai những bước tiếp theo.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Xuân Thành - Chủ tịch UBND huyện Yên Định xác nhận, đúng là huyện có văn bản gửi tỉnh Thanh Hóa báo cáo, xác định nguồn tiền xây dựng tượng đài Bà Triệu.

Theo ông Thành, năm 2019, ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện (đã nghỉ hưu từ 1/4/2020) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu. Tuy nhiên, văn bản này chưa xác định nguồn tiền để triển khai dự án.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản yêu cầu báo  cáo rõ việc này nên ông Thành đã ký văn bản báo cáo tỉnh trong đó xác định nguồn tiền triển khai dự án là từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động hợp pháp khác.

Khi được PV đặt câu hỏi: Hiện tại huyện Yên Định đang nợ 50 tỷ tiền ăn, uống tiếp khách, mua sắm, tổ chức hội nghị nhưng chưa có tiền trả, sao đơn vị lại tiếp tục đề nghị tỉnh cho xây dựng tượng đài 20 tỷ từ nguồn ngân sách?

Ông Thành cho biết, đây chỉ là việc báo cáo phúc đáp văn bản của tỉnh, là kế hoạch dài hơi dự kiến triển khai từ nay tới năm 2023.