Đời sống

Người lao động được quyền bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia, nhằm góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình của họ trong các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,…

Người lao động được chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

Trong đó, chế độ tai nạn lao động là một trong những chế độ bảo hiểm xã hội ra đời sớm trong lịch sử phát triển của bảo hiểm xã hội, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đời sống cho người lao động khi có tai nạn bất ngờ xảy ra trong quá trình lao động.

Khi người lao động bị tai nạn lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; Hoặc người lao động bị bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động  thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị tai nạn lao động.

Theo Khoản 1 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về quyền của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động như sau:

a) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;

b) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Doanh nghiệp thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định

Trường hợp người sử dụng lao động không bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Hà Anh