Dân sinh

Ninh Thuận: Làng biển se thắt nỗi đau bốn ngư dân tử nạn và một đang mất tích trên biển

Đã hai ngày trôi qua, kể từ khi vụ tàu cá số hiệu NT - 90167 bị sóng đánh chìm ở vùng biển Bình Thuận làm 4 thuyền viên tử nạn và 1 hiện đang mất tích, làng biển xã Phước Diêm trở nên trầm lặng, nỗi đau se thắt, cấu xé tâm can nhiều người bởi người con, người cha, người chồng và người cháu đã mãi mãi rời xa họ.

Video người nhà nạn nhân khóc nức nở kể lại giây phút con, chồng mình tử nạn.

Nước mắt nơi làng biển…

Đi qua những con đường len lỏi giữa khu dân cư, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến căn nhà anh Trần Trúc Ba, SN 1983, thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, chủ nhân kiêm thuyền trưởng tàu cá NT – 90167.

Căn nhà cách đó 2 ngày vốn yên vui, nụ cười rôm rả nay đã bao trùm không khí tang thương. Vợ anh Trúc Ba là chị Lê Thị Huệ (37 tuổi) từ khi nghe tin chồng tử nạn trên biển thì như người mất hồn, không ăn uống được gì.

Khi nghe tin, người nhà của các nạn nhân ngất xỉu.

Gặp PV, chị cố gắng nén lại những giọt nước mắt và chia sẻ: “Cách đây 3 năm gia đình mua lại một con tàu với giá 300 triệu, gia đình rất phấn khởi. Lúc đầu đi biển cũng rất bấp bênh, nhưng dần rồi cũng ổn định. Mới tháng Ba vừa rồi gia đình có vay ngân hàng 100 triệu và mượn bà con, hàng xóm thêm 100 triệu để nâng cấp, sửa chữa lại con tàu. Chưa kịp trả hết nợ mà anh đã mất rồi….”.

Nói đến đây chị Huệ chỉ biết bụm miệng khóc nức nở. Trong tiếng khóc chị nói: “Giờ còn mình tôi, thì cũng phải cố gắng đi làm để kiếm tiền trả nợ”.

Cùng tâm trạng đau xót với chị Huệ, chị Nguyễn Thị Muống , vợ ngư dân Bùi Văn Tòa, SN 1978 khóc nức nở mỗi khi có người đến động viên, chia sẻ.

Hai em Bùi Văn Hòa (14 tuổi) và em Bùi Thị Hoa (9 tuổi) con của anh Bùi Văn Tòa còn quá nhỏ khi phải gánh chịu nỗi đau mát mát lớn.(Ảnh: Duy Quan).

Ngồi bên góc hiên nhà, chia sẻ với PV mà chị Muống nước mắt cứ tuôn chảy. Chị nói trong tiếng nấc: “Trước lúc lên tàu đi làm, ảnh động viên vợ con ở nhà đi, làm vài năm nữa trả nợ xong rồi xây cho mẹ con một căn nhà nhỏ để trú nắng, trú mưa…nào ngờ tàu đánh cá bị chìm, ảnh cùng 3 ngư dân đi xa mãi mãi”.

Là người may mắn thoát chết anh Trần Văn Án, SN 1980 em trai ngư dân Bùi Văn Tòa nghẹn ngào: “Sự việc xảy ra quá bất ngờ, chúng tôi không thể xử lý kịp. Khi tàu lật ụp thì 10 thuyền viên mạnh ai người đó lo thoát thân. Sau khi được tàu cá Khánh Hòa cứu vớt, thì phát hiện còn 5 người đã mất tích, trong đó có 2 anh ruột và một đứa cháu của tôi”.

Bao năm lam lũ với nghề biển, kiên cường trước bao sóng gió người đàn ông này vẫn phải bật khóc trước sự mất mát của gia đình. Anh và đứa con ruột là em Trần Văn Đăng, SN 2002 đã may mắn thoát chết.

Chuyến tàu “định mệnh”…

Trên chuyến tàu định mệnh ấy có 10 thành viên thì đã có 8 người là anh em và con cháu ruột trong một gia đình. Cụ thể, anh  Bùi Văn Tòa (cùng mẹ khác cha) là con đầu, rồi đến anh Trần Văn Án, Trần Trúc Ba, Trần Ngọc Tiến, Trần Ngọc Quân và 3 đứa cháu là Trần Văn Đăng, Cao Tấn Thanh, Trần Ngọc Phương.

Bà con hàng xóm và chính quyền địa phương đến thăm, động viên các gia đình có người tử vong trong vụ tai nạn chìm tàu. (Ảnh: Duy Quan).

Trong số đó, có 3 người chết và mất tích. Cụ thể, là anh Bùi Văn Tòa, Trần Trúc Ba (chủ tàu) tử vong và anh Cao Tấn Thanh (cháu) hiện đang mất tích vẫn chưa được tìm thấy.

Ông Trần Văn Hương (73 tuổi, cha ruột của các nạn nhân) cố nén nỗi đau, tâm sự: “Từ trước đến giờ gia đình tui sinh sống bằng nghề biển. Tôi đã chứng kiến nhiều nỗi đau, nhưng chưa bao giờ phải sống trong tâm trạng đau xót như mấy ngày qua. Hai đứa con tôi đã mãi mãi về cõi vĩnh hằng”. 

Còn ông Trần Ngọc Xuân (dượng của các nạn nhân) cho hay: “Nghề biển được, mất thất thường.Trong khi đó cháu tôi là Trần Trúc Ba (chủ tàu) nó chưa mua bảo hiểm tàu cá nên tàu chìm coi như mất trắng. Mất của cũng đành, đằng này lại có quá nhiều đau thương và chết chóc. Trong lịch sử làng biển ở Lạc Tân chưa bao giờ xảy ra chuyện như thế này, nếu có thì chỉ một, hai người tử nạn thôi”.

Chị Phan Thị Nhị, vợ ngư dân Lê Văn Toàn (tên giấy khai sinh là Lê Văn Về) ôm đứa con trai 9 tuổi Lê Tấn Pin mà nước mắt cứ tuôn chảy, chị nói trong tiếng nghẹn: “Vì gia đình khó khăn cách đây 1 tháng tôi vào Sài Gòn xin đi bán cơm thuê để kiếm tiền mua sách vở cho các con chuẩn bị vô năm học mới. Trước lúc ảnh xảy ra sự việc ảnh gọi điện thoại vào cho tôi, hai vợ chồng nói chuyện rất vui vẻ. Qua ngày hôm sau tôi đi làm về khoảng 20h thì nhỏ bạn gọi vào nói ghe bị chìm, nên tôi đã bắt xe về ngay lập tức”.

Chị Nhị ôm con chỉ biết khóc. (Ảnh: Duy Quan).

Nói đến đây chị không kiềm được cảm xúc nên òa khóc: “Vừa đến nhà thì biết tin chồng đang mất tích, lúc đầu cũng hy vọng chồng sẽ sớm quay về. Nhưng ngờ đâu chồng tôi đi mãi…..”.

Được biết, gia đình chị Phan Thị Nhị có 2 người con trai là Lê Văn Dân (11 tuổi) bị câm, điếc bẩm sinh hằng tháng được hưởng chế độ là 540.000 đồng/tháng và Lê Tấn Pin (9 tuổi) năm nay lên lớp 4.

Em Lê Văn Dân (11 tuổi) con Lê Văn Toàn bị câm điếc bẩm sinh. Ánh mắt ngơ ngác của em làm ai cũng nấc nghẹn. (Ảnh: Duy Quan).

Trên những con đường làng vốn yên bình của người dân vùng biển xã Phước Diêm, tiếng kèn, trống ai oán, nhiều người dân đưa tiễn rưng rưng nước mắt. Không ai có thể nghĩ được rằng chỉ trong một ngày, ở làng biển này lại mất đi nhiều người đến vậy.

Chưa bao giờ, tai họa ập đến làng biển Phước Diêm lớn đến như vậy. Giữa biển khơi mênh mông, 4 ngư dân tử nạn và 1 ngư dân hiện đang mất tích, với họ sự sống đang rất mong manh. Còn với người thân của họ, nỗi đau ấy lại kéo dài thêm.

Nhằm động viên, chia sẻ với các gia đình, trong ngày 2 ngày 3 và 4/7, UBND huyện Thuận Nam cùng chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có ngư dân bị nạn.

Ông Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: “Ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách 5,4 triệu đồng/người, huyện cũng đã vận động được thêm 10 triệu đồng/người và đề nghị đơn vị mai táng hỗ trợ thêm, huyện vẫn đang tiếp tục vận động thêm”.

Ngoài ra, ông Huyền còn cho hay, từ sáng hôm qua đến thời điểm hiện nay lực lượng của huyện cùng với lãnh đạo tỉnh (ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh) vẫn đang có mặt tại địa phương, tiếp tục chỉ đạo xử lý tình hình tìm kiếm nạn nhân còn đang mất tích.

Tạm biệt những người thân của các nạn nhân ra về cũng là lúc trời bắt đầu xuất hiện cơn mưa lất phất. Trong cuộc chia ly đầy nước mắt, cơn mưa làm cho lòng người thêm xao xuyến và trầm lặng.

Như đã thông tin, trước đó vào lúc 19h30 ngày 2/7, tàu cá mang số hiệu NT - 90167 TS, công suất 250CV, do anh Trần Trúc Ba, SN 1983, ngụ thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận làm thuyền trưởng gặp nạn (chìm tàu) tại Hòn Rau Câu thuộc vùng biển Bình Thuận, trên tàu có  10 thuyền viên.

Vào thời gian trên, tàu cá của tỉnh Khánh Hòa mang số hiệu KH - 92754 TS do ông Trần Cường làm thuyền trưởng đi qua, phát hiện và đã cứu được 5 thuyền viên gồm: Trần Văn Án, Trần Ngọc Phương, Trần Ngọc Tiến, Trần Ngọc Quân và Trần Văn Đăng, cùng ngụ xã Phước Diêm.

Hiện, còn ngư dân Cao Tấn Thanh vẫn đang mất tích.