Giáo dục

Ninh Thuận: Nhiều trường học thu, chi ngoài quy định

Ông Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, Thanh tra sở đã tổ chức thanh tra chuyên ngành tại 12 đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 55/2011 ngày 22/11/2011 của bộ Giáo dục và Đào tạo và phát hiện nhiều trường học sai phạm thu, chi ngoài quy định.

Trường học tự ý thu, chi

Mới đây, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận công bố kết luận Thanh tra số 5018 với nội dung: “Thanh tra chuyên ngành về quản lý thu, chi ngoài quy định của Nhà nước đầu năm học 2018-2019 tại các cơ sở giáo dục thuộc các cấp học trên địa bàn tỉnh”.

Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện các trường như: THPT Nguyễn Trãi; THPT Nguyễn Du; THCS Lý Tự Trọng; THCS Nguyễn Thị Minh Khai; THCS Phan Đình Phùng; TH Thành Hải; TH Thanh Sơn…vi phạm quy định Thông tư số 55 về Quỹ hoạt động ban Đại diện cha mẹ học sinh.

Các trường THPT Nguyễn Văn Linh; THCS Phan Đình Phùng; Tiểu học Thanh Sơn, tuy không hình thành Quỹ hoạt động ban Đại diện cha mẹ học sinh nhưng tự ý vận động cha mẹ học sinh để hình thành quỹ có những tên gọi khác như: Quỹ lớp, quỹ giáo dục toàn dân, quỹ tài trợ giáo dục để sử dụng vào việc chi cho các hoạt động của nhà trường nhưng không được cấp có thẩm quyền quy định bằng văn bản là sai quy định.

Trường THCS Lý Tự Trọng một trong những trường bị phát hiện sai phạm trong vấn đề thu, chi. (Ảnh: Duy Quan).

Theo ông Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, công tác quản lý thực hiện các khoản thu, chi ngoài quy định của Nhà nước trong các trường (đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập), chủ yếu theo nguyên tắc thỏa thuận với phụ huynh học sinh, như các loại quỹ: Quỹ hoạt động của ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường; in sao đề, giấy kiểm tra; nước uống, vệ sinh; ghế ngồi chào cờ; đồng phục học sinh; dạy tiếng Anh; dạy thêm, học thêm; xã hội hóa giáo dục; tài trợ, ủng hộ…

Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc cơ bản là các trường phải có sự trao đổi, thỏa thuận với phụ huynh học sinh thông qua các cuộc họp lớp vào đầu năm học và được ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường đồng thuận.

Có một số khoản thu, chi thể hiện bằng kế hoạch công tác liên quan, có hạch toán rõ ràng nhu cầu cần đến nguồn lực tài chính (cân đối lấy thu bù chi) để cha mẹ học sinh được biết, có ý kiến để thống nhất thực hiện theo đúng Thông tư số 55.

Các trường THPT Nguyễn Trãi; THPT Nguyễn Du; THCS Lý Tự Trọng; THCS Nguyễn Thị Minh Khai; THCS Phan Đình Phùng; TH Thành Hải; TH Thanh Sơn…có hình thành Quỹ hoạt động ban Đại diện cha mẹ học sinh nhưng không trích kinh phí hoạt động cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo tìm hiểu của PV, tại hai trường THPT Nguyễn Trãi và THCS Nguyễn Thị Minh Khai quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho cha mẹ học sinh không phù hợp theo khoản 3, Điều 10 của Thông tư số 55.

Hầu hết các trường đã sử dụng kinh phí của Quỹ hoạt động ban Đại diện cha mẹ học sinh vào việc khen thưởng và hỗ trợ các hoạt động của nhà trường, không quan tâm đến việc phát huy sự phối hợp trực tiếp của ban Đại diện cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm từng lớp, với hiệu trưởng thực hiện các nội dung giáo dục, hoàn thiện đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống…

Bên cạnh đó, các trường THPT Nguyễn Trãi; THPT Nguyễn Văn Linh; THPT Nguyễn Du; THCS Lý Tự Trọng; THCS Nguyễn Thị Minh Khai; THCS Phan Đình Phùng; Tiểu học Thanh Sơn; Tiểu học Đạo Long; Tiểu học Thành Hải 1; Tiểu học Thành Hải 2 và Tiểu học Văn Hải 2, tuy có thỏa thuận với cha mẹ học sinh hỗ trợ, đóng góp thêm nguồn lực các khoản thu, chi nguồn quỹ in sao đề, giấy kiểm tra; nước uống, vệ sinh; ghế ngồi chào cờ; đồng phục học sinh; dạy tiếng Anh; dạy thêm, học thêm; xã hội hóa giáo dục; tài trợ, ủng hộ… nhưng chưa xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về mục đích, nội dung cân đối thu, chi của từng hoạt động có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của trường. Trường THCS Phan Đình Phùng sử dụng nguồn quỹ này vào những khoản chi bồi dưỡng công tác thu; quản lý thu, chi; hỗ trợ kinh phí ôn luyện, tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh là không phù hợp với mục đích và yêu cầu khi nhà trường phải cần đến sự đóng góp của cha mẹ học sinh.

Sau khi thanh tra, trường Tiểu học Thanh Sơn dư quỹ nước uống hơn 18,5 triệu đồng. (Ảnh: Duy Quan).

Các trường THPT Nguyễn Trãi, tiểu học Thanh Sơn và trường tiểu học Văn Hải 2, không qua bộ phận tài chính của trường để mở sổ sách, thiết lập chứng từ theo dõi, quản lý, thực hiện công khai nguồn quỹ in sao đề, giấy kiểm tra.

Các hiệu trưởng nhà trường không ban hành quyết định cụ thể đối với bộ phận in sao đề kiểm tra chung để ràng buộc pháp lý và kiểm soát tính bảo mật (một trong những yêu cầu nghiêm ngặt để có được đánh giá khách quan, chính xác, công bằng trong kiểm tra chung- PV) đã gây tốn thêm rất nhiều tiền của học sinh.

Một số trường xuất hiện tình trạng lạm thu, thu nhiều hơn chi; chi không đúng mục đích dẫn đến kết dư quỹ sau khi kết thúc năm học. Cụ thể như các trường THCS Lý Tự Trọng (năm học 2017-2018, dư quỹ vệ sinh hơn 13,6 triệu đồng); THCS Phan Đình Phùng (dư quỹ vệ sinh hơn 2,6 triệu đồng); Tiểu học Thanh Sơn (dư quỹ nước uống hơn 18,5 triệu đồng); Tiểu học Từ Tâm 1 (dư quỹ nước uống hơn bốn triệu đồng).

Tại hai trường tiểu học Thành Hải 1 và Tiểu học Văn Hải 2, hình thành Quỹ xã hội hóa giáo dục nhưng chỉ để hỗ trợ chi khi phát sinh hoạt động của nhà trường, không phù hợp với mục đích, ý nghĩa của công tác xã hội hóa giáo dục theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Sai phạm nhưng chỉ rút kinh nghiệm

Trường THPT Nguyễn Trãi một trong những trường cấp 3 tại Ninh Thuận bị phát hiện sai phạm. (Ảnh: Duy Quan).

Qua thanh tra, cho thấy nhiều hiệu trưởng, kế toán nhà trường thực hiện chưa đầy đủ, khách quan, công khai minh bạch các quy định trong thực hiện nhiệm vụ nhà trường; các quy định mang tính nguyên tắc về quản lý tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, liên quan đến quá trình hình thành, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính trong đơn vị. Đặc biệt là nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện đối với các khoản thu ngoài quy định nhà nước từ cha mẹ học sinh.

Một số trường chưa thực hiện việc rút kinh nghiệm của những đợt thanh tra trước đây, nên việc khắc phục tồn tại rất chậm.

Qua kết luận của Thanh tra ngành, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo, các trường để xảy ra sai phạm phải nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong thực hiện quản lý thu, chi theo nguyên tắc thỏa thuận; đồng thời công khai, dân chủ, minh bạch các hoạt động tài chính theo quy định, bảo đảm tính pháp lý, đúng với điều lệ và quy định của Thông tư 55. Đối với các trường kết dư quỹ ở năm học trước (2017-2018), yêu cầu thực hiện việc cân đối lấy thu bù chi, nhằm giảm thu hoặc không thu trong năm học 2018-2019; báo cáo công khai với cha mẹ học sinh. Không chấp thuận tình trạng hình thành quỹ lớp như trường THPT Nguyễn Văn Linh.

Những sai phạm về thu, chi cần chấn chỉnh xử lý trách nhiệm người đứng đầu. (Ảnh: Duy Quan).

Mặt khác, chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định về các khoản thu, chi; không để xảy ra tình trạng lạm thu; quản lý, phát huy hiệu quả các nguồn lực đóng góp của cha mẹ học sinh, của xã hội cho phát triển giáo dục.

Vấn đề này đã xảy ra liên tục trong các năm học 2017-2018 và 2018-2019. Tuy nhiên các trường không rút kinh nghiệm để khắc phục, khiến dư luận xôn xao.

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 ban Chấp hành Trung ương Khóa XII cũng đã chỉ rõ: “Quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ”.

Qua sự việc trên, thiết nghĩ UBND tỉnh Ninh Thuận tỉnh cần chỉ đạo làm rõ, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu chứ không dừng lại ở việc rút kinh nghiệm. Có như vậy mới trấn an được dư luận cũng như lấy lại lòng tin của phụ huynh học sinh...