Văn hoá

Niềm vui nhân đôi trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Tết Độc lập

Tết Độc lập ở Lệ Thủy (Quảng Bình) còn vui hơn Tết Nguyên đán và chẳng nơi nào ăn Tết Độc lập to bằng nơi đây. Tết năm nay, Lệ Thủy có được niềm vui nhân đôi khi vừa đón Tết Độc lập vừa nhận bằng di sản cho lễ hội đua thuyền.

Sáng nay 2/9, trong không khí hân hoan Lễ kỷ niệm 74 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2019) và Quốc khánh 2/9, UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức giải Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Niềm vui nhân đôi khi cũng trong sáng cùng ngày, lãnh đạo chính quyền địa phương và nhân dân huyện Lệ Thủy vinh dự đón nhận bằng công nhận lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang là một trong những lễ hội dân gian truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất Lệ Thủy. Bao lớp người Lệ Thủy khi sinh ra và lớn lên đã được sống, chứng kiến bầu không khí của lễ hội được tổ chức hàng năm này.

Lễ hội được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, rèn luyện sức khỏe để phục vụ lao động sản xuất, chống chọi với thiên nhiên; thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của mỗi người trong cộng đồng làng xã. Lễ hội năm nay thu hút hơn 1.000 VĐV tham dự, cùng sự cổ vũ hết mình của hàng chục vạn người dân địa phương và du khách.

Mặc dù điều kiện thời tiết mưa nặng hạt trong suốt buổi sáng ngày 2/9 nhưng hàng chục vạn người dân địa phương và du khách vẫn đến để theo dõi cổ vũ. Ngoài ra, các cổ động viên còn hết mình với những màn hò reo, té nước cổ vũ cho các thuyền bơi, đua nam nữ trong suốt chiều dài 24km mà các VĐV phải trải qua.

Các cổ động viên cuồng nhiệt chạy xe máy dọc sông Kiến Giang dõi theo các thuyền đua.

Người dân tận dụng mọi dụng cụ để cổ vũ cho các đội bơi. (Ảnh: HOÀNG NGỌC)

Tất cả tạo nên một bầu không khí hết sức sôi động và náo nhiệt trên mảnh đất quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày Tết độc lập.

Nhiều người vì không có chỗ xem nhưng vẫn tập trung cổ vũ qua chương trình trực tiếp trên tivi.

Giải đua năm nay sự góp mặt của 25 thuyền bơi nam và 9 thuyền đua nữ. Đối với thuyền bơi nam, sau ngày bơi vòng loại được tổ chức trước đó vào chiều ngày 31/8, Ban tổ chức (BTC) đã chọn ra 13 thuyền bơi mạnh nhất xếp vào bảng A, 12 thuyền bơi còn lại nằm ở bảng B.

Sau gần 2h thi đấu với chiều dài 24km, Ban tổ chức tiến hành trao giải cho các thuyền bơi nam và thuyền bơi nữ. Theo đó, giải nhất bảng A thuộc về thuyền bơi (xã) Tân Thủy, giải nhì là thuyền bơi xã Phú Thủy, giải ba là thuyền bơi . Đối với bảng B, giải nhất thuộc về thuyền bơi Mai Hạ, giải nhì thuộc về thuyền bơi Phan Xá, giải ba là thuyền bơi Phú Thọ.

Niềm vui của thuyền vô địch và các cổ động viên.

Về thuyền đua nữ, giải nhất thuộc về thuyền đua An Xá, giải nhì thuộc về thuyền đua Lộc An, giải ba thuộc về thuyền đua. Ngoài ra, năm nay giải nhất toàn Đoàn thuộc về đội An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Ông Lê Quang Sự (41 tuổi), trú tại xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy hào hứng chia sẻ: “Người Lệ Thủy chúng tôi có câu ca:

Dù ai đi đâu về đâu

Mồng 2/9 cũng mong về nhà

Về xem lễ hội quê ta

Dưới sông bơi chải nhà nhà cờ bay…

Tết Độc lập ở đây còn vui hơn Tết Nguyên đán và chẳng nơi nào ăn Tết Độc lập to bằng Lệ Thủy. Tết năm nay, Lệ Thủy có được niềm vui nhân đôi khi vừa đón Tết Độc lập vừa nhận bằng di sản cho lễ hội đua thuyền. Bởi vậy, dù có mưa nặng hạt thì không khí nơi đây vẫn rộn ràng, tươi vui và náo nhiệt…”.

Lê Kông