Thế giới

Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ yếu hơn do lạm phát cao kéo dài

Dự báo về giá cả tăng cao và việc FED nâng lãi suất có thể khiến chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tiếp tục giảm trong năm nay.

Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tháng 5 đã suy giảm trong bối nhiều người quan ngại về triển vọng kinh tế hiện tại và tương lai bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát cao kéo dài. Hội đồng Hội nghị mới đây đã cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống 106,4 trong tháng 5, thấp hơn so với mức 108,6 trong tháng 4. 

Chỉ số tình hình hiện tại (Present Situation Index) , đo lường niềm tin tiêu dùng tổng thể về các điều kiện kinh doanh và lao động hiện tại, cũng giảm trong tháng 5 xuống còn 149,6 từ mức 152,9 của tháng 4. 

Chỉ số kỳ vọng (Expectations Index), dựa trên triển vọng 6 tháng của người tiêu dùng về điều kiện thu nhập, kinh doanh và thị trường lao động, cũng sụt giảm từ 79 vào tháng 4 xuống còn 77,5 vào tháng 5. Chỉ số này đã đạt trên 80 hồi tháng 2, là một điểm yếu trong cuộc khảo sát. 

Vào hôm 31/5, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell để thảo luận vấn đề lạm phát tăng cao tiếp tục ảnh hưởng đến thu nhập của người dân Mỹ. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của hai vị lãnh đạo kể từ tháng 11/2021, thời điểm Tổng thống Biden công bố tiến cử ông Powell tiếp tục giữ chức chủ tịch FED trong nhiệm kỳ mới.

Nhà Trắng cho biết nội dung thảo luận xoay quanh tình hình nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, đặc biệt là vấn đề lạm phát cao mà Tổng thống Biden trước đó nhận định đây là "ưu tiên kinh tế hàng đầu".

Khách hàng mua sắm trong siêu thị tại thủ đô Washington.DC, Mỹ vào ngày 26/5/2022. Ảnh: AFP.

FED đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,5% hồi đầu tháng 5, mức tăng cao nhất kể từ năm 2000, đây là cơ chế chính để chống lạm phát. Dự kiến trong năm nay sẽ còn diễn ra nhiều đợt nâng lãi suất khác. Lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm, giá cả mọi thứ tăng cao đã ảnh hưởng đến việc tăng lương của người Mỹ. 

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ, đã lên tới 8,3% trong tháng 4 so với một năm trước. Trước đó, lạm phát Mỹ trong tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1981. Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 0,3% so với tháng trước.

Giá sản xuất tại Mỹ trong tháng 4 đã tăng 11% so với một năm trước, đây là mức tăng mạnh cho thấy lạm phát cao vẫn là gánh nặng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong những tháng tới.

Người tiêu dùng đang tỏ ra kém lạc quan hơn về thị trường lao động, ngay cả khi các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm ít nhất 400.000 việc làm trong 12 tháng liên tiếp và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,6% - mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 2 năm.

Hội đồng Hội nghị cho biết ý định của người tiêu dùng về việc mua các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, nhà cửa và các thiết bị quan trọng đều giảm nhẹ. Giá cả tăng cao vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng.

Bà Lynn Franco, chuyên gia về chỉ số kinh tế của Hội đồng Hội nghị, nhận định: "Nhìn về phía trước, dự báo về sự tăng giá và việc nâng lãi suất sẽ gây rủi ro khiến chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục giảm trong năm nay".

Phạm Hà Thanh (theo Aljazeera, Bloomberg)