Thế giới

Niềm tin của các doanh nghiệp Đức suy yếu trước biến thể Omicron

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu được cho là sẽ gặp một sự kéo lùi trong quý IV/2021 và QI/2022, trước khi lấy lại “động lực đáng kể”.

Các công ty Đức mất niềm tin vào triển vọng kinh tế ngắn hạn sau sự bùng phát trở lại của làn sóng Covid-19, dẫn tới yêu cầu bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới và làm gia tăng sự không chắc chắn.

Chỉ số Môi trường Kinh doanh Ifo (Ifo Business Climate Index) trong tháng 12 ghi nhận mức giảm tháng thứ 6 liên tiếp xuống còn 94,7, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 95,3, theo Viện nghiên cứu kinh tế Ifo.

Chỉ số Môi trường Kinh doanh Ifo, được công bố hàng tháng, là một chỉ báo ban đầu uy tín về sự phát triển kinh tế ở Đức.

Chỉ số Môi trường Kinh doanh Ifo (Ifo Business Climate Index), được công bố hàng tháng, là một chỉ báo ban đầu uy tín về sự phát triển kinh tế ở Đức. Nguồn: Trading Economics

Ngoài mức giảm của chỉ số trên, các điều kiện hiện tại cũng được đánh giá là yếu hơn so với tháng 11.

Dữ liệu theo sau một chuỗi báo cáo nêu bật những thách thức đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu khi nước này đang phải vật lộn với làn sóng đại dịch thứ tư kéo theo số ca bệnh cao kỷ lục.

Tinh thần kinh doanh tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục xấu đi vào cuối năm khi các công ty mất niềm tin vào triển vọng kinh tế ngắn hạn. Đây là thời điểm các nhà cung cấp dịch vụ phải đối mặt với những hạn chế vừa được khôi phục, trong khi các nhà sản xuất chỉ mới bắt đầu cảm thấy tắc nghẽn về nguồn cung giảm bớt.

Ngân hàng Liên bang Đức (Bundesbank) thừa nhận các vấn đề trong các dự báo cập nhật được công bố trước đó, nhưng vẫn lập luận rằng sự phục hồi chỉ bị “chậm trễ một chút”.

Nền kinh tế được cho là sẽ gặp một sự kéo lùi trong quý IV/2021 và QI/2022, trước khi lấy lại “động lực đáng kể” vào mùa xuân trong bối cảnh chi tiêu tư nhân tăng “đáng kể”.

Ngân hàng Trung ương Đức hy vọng, các nút thắt về nguồn cung sẽ được giải quyết vào cuối năm sau.

Đề phòng lạm phát

Bundesbank cũng dự đoán lạm phát sẽ duy trì ở mức trên 2% cho đến năm 2024. Điều này sẽ thúc đẩy nhiều ý kiến mong muốn Ngân hàng Trung ương nhanh chóng siết chặt chính sách tiền tệ

Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Bundesbank, Jens Weidmann, cảnh báo rằng áp lực giá có thể còn mạnh hơn.

Trước động thái trì hoãn nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Weidmann cũng cảnh báo rằng ECB không nên coi thường những rủi ro đó.

Nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính trị gia Đức đang ngày càng lo ngại sau khi lạm phát chạm mốc 6% hồi tháng trước.

Chỉ ít ngày nữa là hết năm, và đó cũng là lúc Weidmann mãn nhiệm. Nhưng vẫn chưa có người thay thế ông.

Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm Christian Lindner và thuộc cấp của bà đang cố gắng xoa dịu những lo ngại, với lập luận rằng ổn định giá cả được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của họ.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Trading Economics)