Thế giới

Những yếu tố khiến Vương quốc Anh gia nhập CPTPP

Việc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một “lợi ích chiến lược địa chính trị lớn với lợi ích kinh tế nhỏ”.

Vương quốc Anh đã đồng ý tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại giữa các nước nằm trên vành đai Thái Bình Dương. Đây được coi là thỏa thuận thương mại lớn nhất của nước này kể từ khi rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Thủ tướng Rishi Sunak hôm 31/3 đã tuyên bố tham gia CPTPP, đưa Anh trở thành thành viên mới đầu tiên kể từ khi khối này thành lập vào năm 2018, và cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên trong nhóm thương mại này.

“Việc tham gia khối thương mại CPTPP đưa Vương quốc Anh trở thành trung tâm của một nhóm các nền kinh tế Thái Bình Dương năng động và đang phát triển”, ông Sunak cho biết trong một tuyên bố.

Về CPTPP

CPTPP là sự kế thừa của một hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đó mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Hiện khối có 11 thành viên, gồm Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết tại Santiago de Chile, ngày 8/3/2018. Ảnh: SCMP

Theo văn phòng của Thủ tướng Sunak, một khi Anh trở thành thành viên thứ 12, khối này sẽ bao gồm hơn 500 triệu người và chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu.

Thỏa thuận này được đưa ra sau gần 2 năm đàm phán căng thẳng khi Vương quốc Anh hướng tới các nền kinh tế xa xôi về địa lý nhưng đang phát triển nhanh trong nỗ lực xây dựng quan hệ thương mại toàn cầu thời hậu Brexit.

CPTPP không có một thị trường duy nhất cho hàng hóa hoặc dịch vụ và do đó, không cần phải hài hòa hóa quy định, không giống như EU, quỹ đạo thương mại mà Anh đã rời khỏi vào cuối năm 2020.

Thương mại Anh-CPTPP

Anh cho biết, xuất khẩu của họ sang các nước CPTPP trị giá 60,5 tỷ Bảng Anh trong 12 tháng tính đến cuối tháng 9/2022.

Việc Anh trở thành thành viên sẽ bổ sung cho CPTPP thêm 1,8 tỷ Bảng mỗi năm trong thời gian dài và có thể nhiều hơn nếu các quốc gia khác cũng tham gia FTA thế hệ mới này.

Nhưng trong một đánh giá tác động của thỏa thuận khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2021, Anh cho biết, thỏa thuận này ước tính chỉ mang lại mức tăng 0,08% cho GDP trong dài hạn.

Ông David Henig, Giám đốc, Dự án Chính sách Thương mại của Vương quốc Anh, cho biết chỉ có Malaysia và Brunei không được bảo vệ bởi các FTA hiện có và họ chỉ chiếm 0,33% thương mại của Vương quốc Anh.

“Phân tích ban đầu về các hoạt động của CPTPP cho thấy hiệp định này tạo ra rất ít sự khác biệt đối với dòng chảy thương mại”, ông nói và cho biết thêm rằng nó không giúp ích gì nhiều cho các ngành dịch vụ của Anh nhưng hàng nhập khẩu từ các nước như Việt Nam sẽ tăng theo thời gian.

Lợi ích của quy tắc xuất xứ

Ông Sam Lowe, Đối tác tại Flint Global cho biết, các nhà xuất khẩu có thể hưởng lợi từ tư cách thành viên CPTPP ngay cả khi giao dịch với các quốc gia có FTA song phương.

Để hưởng lợi từ thuế quan ưu đãi, các nhà xuất khẩu phải chứng minh một sản phẩm có đủ tỉ lệ các bộ phận có nguồn gốc “địa phương”.

Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do hậu Brexit được gia hạn với Nhật Bản, Mexico và Canada cho phép các nhà xuất khẩu coi đầu vào của EU là “địa phương”.

Tuy nhiên, theo CPTPP, đầu vào từ các thành viên CPTPP thường có thể được coi là nội địa, mang lại cho các nhà xuất khẩu một lựa chọn khác nếu có lợi. “Lợi ích thiết thực cho các nhà xuất khẩu của Vương quốc Anh ở đây là tính tùy chọn”, ông Lowe cho biết.

Các nhà phê bình cho rằng việc Anh gia nhập CPTPP vẫn khó bù đắp thiệt hại kinh tế do nước này rời khỏi EU, khối thương mại và nền kinh tế tập thể lớn nhất thế giới. Ảnh: The Australian

Tác động theo ngành

Anh đã đồng ý hạn ngạch nhập khẩu thịt bò, nhưng không đồng ý hạ thấp tiêu chuẩn thực phẩm, theo đó thịt bò được xử lý bằng hormone bị cấm.

Thuế quan đối với dầu cọ từ Malaysia sẽ được tự do hóa và Anh cũng đồng ý cắt giảm thuế quan đối với chuối, gạo và thanh cua theo yêu cầu tương ứng từ Peru, Việt Nam và Singapore.

Anh nhấn mạnh rằng 99% hàng xuất khẩu sang CPTPP sẽ đủ điều kiện được hưởng mức thuế bằng 0, bao gồm phô-mai, ô tô, sô-cô-la, máy móc, rượu gin và rượu whisky.

Ông Mark Kent, Giám đốc điều hành của Hiệp hội rượu whisky Scotland, hoan nghênh việc loại bỏ dần mức thuế 165% đối với rượu whisky của Malaysia.

“Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho rượu whisky Scotch và các sản phẩm khác của Anh tại các thị trường trọng điểm trong khu vực”, ông Kent bổ sung.

Yếu tố địa chính trị

Trong khi lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Anh được coi là khiêm tốn, Anh có những lý do khác để gia nhập khối.

Bà Minako Morita-Jaeger, một nhà nghiên cứu chính sách tại Đài quan sát chính sách thương mại Vương quốc Anh (UKTPO), một tổ chức hợp tác giữa Đại học Sussex và Chatham House, cho biết việc Anh gia nhập CPTPP là một “lợi ích chiến lược địa chính trị lớn với lợi ích kinh tế nhỏ”.

Trung Quốc cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, và bà Morita-Jaeger đã trích dẫn sự xoay trục của Anh đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“CPTPP có thể cho phép Vương quốc Anh tăng cường quan hệ chiến lược với các quốc gia có cùng chí hướng để bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, bà Morita-Jaeger kết luận.

Minh Đức (Theo Reuters, DW)