Hồ sơ điều tra

Những vụ trộm khét tiếng nhất thế giới: Tên trộm cuồng nghệ thuật (kỳ 3)

Khác với những tên trộm khác, Stephane Breitwieser nổi tiếng bởi tình yêu nghệ thuật của mình. Hắn ta chỉ trộm để thỏa mãn niềm đam mê với những tác phẩm chứ không với mục đích bán lấy tiền.

Tên trộm người Pháp đã đánh cắp hơn 220 tác phẩm với tổng giá trị lên đến 1,4 tỷ USD từ khắp các bảo tàng khác nhau ở châu Âu.

Chân dung tên trộm "nghiện" nghệ thuật Stephane Breitwieser

Khi 20 tuổi, Breitwieser xin được vị trí phụ bếp ở khách sạn Basel. Bên cạnh đó, anh ta cũng dành thời gian rảnh để tham gia các cuộc đấu giá nghệ thuật ở các phòng trưng bày nhỏ. Tuy nhiên vì không có đủ tiền nên Breitwieser chỉ có thể ngắm những bức tranh từ xa mà không thể sở hữu chúng.

Cho đến năm 1995, ở tuổi 23, Breitwieser đã thực hiện phi vụ trộm đầu tiên. Khi đang thăm quan một lâu đài thời trung cổ ở Bonn (Đức), anh ta cùng bạn gái của mình, Anne Catherine đã đánh cắp một bức tranh nhỏ của Christian Wilhelm Dietrich. Breitwieser giấu bức tranh dưới áo khoác và ung dung bước ra khỏi lâu đài mà không bị ai nghi ngờ. Hơn 1 tháng sau đó, Breitwieser lấy bức tranh thứ hai tại bảo tàng Solothurn trong lúc mọi người đang nghỉ trưa.

Không dừng lại ở con số 2, Breitwieser và bạn gái đã thực hiện trót lọt hơn 220 vụ trộm khác nhau. Trong đó, số lần trộm ở Đức là 11, 69 lần ở Thụy Sỹ, 68 lần ở Pháp, 7 lần ở Hà Lan, 2 lần ở Đan Mạch, 19 lần ở Bỉ. Breitwieser thực hiện các phi vụ của mình liên tiếp đến mức cảnh sát tưởng đây là một hoạt động của cả một nhóm trộm chuyên nghiệp có mục đích.

Tuy nhiên, người ta lại ngạc nhiên khi nhận ra rằng, tất cả tác phẩm bị Breitwieser đánh cắp đều không bị giao bán bất kể ở đâu, thậm chí là ở thị trường chợ đen. Hành động đánh cắp của Breitwieser chỉ đơn giản để thỏa mãn niềm yêu thích các sản phẩm nghệ thuật mà thôi.

Các thành quả được anh ta trưng bày trong một căn phòng rộng 30m2, có lẽ đối với anh ta mà nói, sáng đi làm bồi bàn, phụ bếp, tối về ôm những tác phẩm này thôi cũng là quá đủ rồi. Thậm chí các nhà chuyên gia về nghệ thuật còn nhận định, phần lớn tác phẩm bị đánh cắp đều là sản phẩm của các nhà hội họa người Hà Lan trong thế kỷ XVII và XVIII, điều này chứng tỏ Breitwieser là người khá am hiểu về nghệ thuật. Dường như đây chính là điểm khiến Breitwieser trở nên khác biệt nhất với những tên trộm khác.

Nói đến thành tựu của Breitwieser, không thể không nhắc đến bức tranh có giá trị lớn nhất lúc bây giờ là “Chân dung nữ Bá tước Sibyller von Cleve”. Breitwieser đã quyết định đánh cắp nó như một món quà mừng sinh nhật lần thứ 24 của bản thân. Lúc đó tác phẩm được ước tính có giá 5-5,6 triệu bảng Anh.

Bức tranh "Chân dung nữ Bá tước Sibyller von Cleve"

Ngày 18/11/2001, Breitwieser bị bắt khi đang định rời đi với chiếc tù và được làm từ năm 1584 có giá trị 45.000 bảng Anh ở trong Bảo tàng Richard – Wagner ở Luzen (Thụy Sĩ).

Sau khi tra hỏi về cách thức điều tra, cảnh sát ngạc nhiên khi anh ta chỉ luôn hành động một mình, cũng không có kĩ năng hay đồ nghề gì chuyện nghiệp, dụng cụ đơn giản chỉ là một chiếc chìa khóa ô tô, vặn ốc vít hoặc là một con dao nhíp mà thôi. Mọi tác phẩm bị đánh cắp đều được thực hiện ngay khi anh ta nhìn thấy chúng. Nó dường như trở thành bản năng, một phản xạ thôi thúc Breitwieser phải lấy cắp chúng, vì “những tác phẩm nghệ thuật đó quá đẹp”. Quả thực là một tên trộm điên cuồng, một kẻ “nghiện” nghệ thuật.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây nhất chính là những tác phẩm bị Breitwieser đánh cắp đều đã vĩnh viễn biến mất khỏi thế giới này. Theo báo chí đưa tin, ngay khi nhìn thấy Breitwieser bị bắt, người bạn gái đã chạy về báo với mẹ anh ta. Hai người đã cùng nhau phá hủy hết tất cả những tác phẩm trong căn phòng của Breitwieser trước khi cảnh sát đến điều tra. Song, mẹ của Breitwieser lại khai trước tòa là do quá giận dữ con mình là kẻ trộm nên đã đập hết tất cả các tác phẩm đi. Đến nay không ai biết lý do thực là gì, điều mà chúng ta biết rõ nhất đó chính là các tác phẩm bị đánh cắp đã vĩnh viễn bốc hơi khỏi trái đất này.

Han (theo Pursuitmag, The Guardian)