Chính sách

Những vấn đề phóng viên quốc tế quan tâm trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, tại cuộc họp báo diễn ra ở Trung tâm báo chí quốc tế ngày 25/2, nhiều PV quốc tế quan tâm đến công tác tổ chức hội nghị cũng như ngày thăm chính thức của nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Việt Nam.

Ngày 27-28/2 tới đây, hai vị lãnh đạo của Hoa Kỳ và Triều Tiên gặp nhau tại Hà Nội để cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh. Đây là sự kiện quốc tế rất quan trọng.

Trước thềm hội nghị diễn ra, hôm nay, 25/2 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo quốc tế về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Chủ trì buổi họp báo có Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Đông đảo PV trong nước và quốc tế tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, các lãnh đạo Việt Nam đã thông tin về công tác chuẩn bị, tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, đồng thời chia sẻ về niềm vui, tự hào khi Việt Nam được lựa chọn tổ chức hội nghị quan trọng này.

Theo quan sát của PV báo Người Đưa Tin, rất đông PV trong nước và quốc tế đã có mặt tại cuộc họp báo. Bên cạnh đó, các PV của các hãng thông tấn trong và ngoài nước cũng tham gia đặt câu hỏi đến những lãnh đạo chủ trì buổi họp báo.

Đầu tiên là PV Tờ Phượng Hoàng của Hongkong (Trung Quốc) đặt câu hỏi: Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ ở đâu khi tới Hà Nội? Khi nào Chủ tịch Kim Jong-un đến Việt Nam? Số tiền Việt Nam bỏ ra để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh là bao nhiêu?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết: “Về con số cụ thể số tiền chuẩn bị cho sự kiện tôi chưa có được. Tiền cũng quan trọng nhưng công tác đảm bảo an ninh, an toàn, lễ tân mới là vấn đề quan trọng nhất của chúng tôi, làm sao để tổ chức thành công sự kiện và tiết kiệm. Điều lớn nhất là công sức và tâm lực của chúng tôi dành cho sự kiện này.

Về nơi ở của hai nhà lãnh đạo, hiện nay hai nhà lãnh đạo chưa đến nên chúng tôi chưa biết. Tôi thấy báo chí đang quan tâm và tập trung ở hai khách sạn Marriot và Melia. Chúng tôi chưa được phép chia sẻ thông tin này. Về địa điểm tổ chức hội nghị theo yêu cầu của hai nước, chúng tôi chưa được phép chia sẻ thông tin.

Trả lời câu hỏi: “Khi nào ông Kim Jong-un đến Việt Nam?”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, chưa thể xác định chính xác, nhưng tin chắc vị lãnh đạo này sẽ đến trước khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra vào ngày 27 - 28/2.

Sau câu hỏi của PV tờ Phượng Hoàng, PV Zing.vn đặt câu hỏi: “Hà Nội triển khai bao nhiêu nhân sự để đảm bảo an ninh và Hà Nội đã triển khai xe bọc thép hay chưa?

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hội nghị chúng tôi đã huy động, bố trí đủ nhân sự và tất cả người dân Hà Nội đều sẽ tham gia vào việc bảo vệ an toàn cho sự kiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dự kiến các tình huống xảy ra, có đủ lực lượng, đơn vị để xử lý tất cả những sự cố xảy ra.

“Đoàn xe hộ tống đều sử dụng những loại rất mới để tháp tùng hai nhà lãnh đạo tới Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết.

Các phóng viên đặt những câu hỏi còn thắc mắc đến lãnh đạo chủ trì buổi họp báo.

Tiếp đến, PV của hãng tin Reuters đặt câu hỏi: “Việt Nam có thông báo lãnh đạo Triều Tiên sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, vậy ngày thăm chính thức Việt Nam của ông Kim Jong-un là ngày nào? Tổng thống Donald Trump sẽ gặp lãnh đạo Việt Nam vào ngày nào?

“Về chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un với Việt Nam là chuyến thăm chính thức, thời gian của chuyến thăm thì hai bên đang thoả thuận, Việt Nam tôn trọng đề nghị của Triều Tiên”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung trả lời.

“Thứ 2, chuyến tới Việt Nam của Tổng thống Donald Trump không phải là chuyến thăm chính thức. Tuy nhiên, sẽ có những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao Việt Nam để bàn những vấn đề rất quan trọng về hợp tác song phương”.

PV của TTXVN tiếp câu hỏi “Tại sao Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần 2? Việt Nam được hưởng lợi ích gì khi tổ chức thành công sự kiện này?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung trả lời: “Có một số lý do Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra hội nghị, thứ nhất Việt Nam thể hiện là nơi an ninh, an toàn cho hội nghị. Việt Nam là nước có quan hệ hữu nghị tốt với Hoa Kỳ và Triều Tiên. Việt Nam cũng là nước thành công trong quá trình chuyển đổi, tái thiết xây dựng hoà bình. Từ sau chiến tranh, giữa Việt Nam với Mỹ, hai nước đã phát triển quan hệ tốt đẹp. Việt Nam cũng có mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Triều Tiên lâu dài.

Còn với câu hỏi Việt Nam đạt được gì? Tôi cho rằng, Việt Nam có dịp để hoà mình với quốc tế. Thông qua sự kiện này, Việt Nam có dịp đóng góp vào đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị thế giới, là thành viên trong cộng đồng quốc tế có trách nhiệm. Đồng thời đưa hình ảnh của Việt Nam tới gần hơn với thế giới. Việt Nam đang mong muốn trở thành một nước Việt Nam hiện đại”.

Các PV quốc tế đang tác nghiệp ngoài Trung tâm báo chí quốc tế.

Câu hỏi cuối cùng của PV báo Tuổi Trẻ, “Với tư cách là nước chủ nhà tổ chức, Việt Nam kỳ vọng gì về kết quả đàm phán sắp tới của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Hà Nội? Việt Nam có tham vấn Singapore về kinh nghiệm tổ chức hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều?".

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết: “Việt Nam mong muốn hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đạt được kết quả tích cực nhất. Nội dung các vấn đề cụ thể có thể thấy có rất nhiều vấn đề liên quan. Việt Nam mong muốn tiếp tục duy trì được những đối thoại hoà bình, có biện pháp thúc đẩy đối thoại kết quả đáp ứng lợi ích của hai quốc gia cũng như lợi ích chung của cộng đồng quốc tế vì một nền hoà bình, ổn định và hữu nghị.

Câu hỏi thứ hai, chúng tôi có tham khảo kinh nghiệm của Singapore để tổ chức hội nghị thượng đỉnh được tốt hơn. Ví dụ như vấn đề về hạ tầng viễn thông, phiên dịch, đi lại làm sao cho phù hợp, vì thời gian gặp thượng đỉnh có thể ngắn hoặc dài nhưng cần phải chuẩn bị đầy đủ.

Nói về cơ sở thông tin truyền thông, so với hội nghị thượng đỉnh lần 1 tại Singapore, thì cơ sở thông tin truyền thông chuẩn bị cho hội nghị tại Việt Nam lớn hơn gấp 1,5 lần”.