Công nghệ

Những ứng dụng Android chứa phần mềm gian lận cước phí cần gỡ bỏ

Hiện tại, có ít nhất 8 ứng dụng có sẵn trên Play Store có số lượng tải về gần 3 triệu lần và đã được phát hiện chứa phần mềm độc hại gian lận cước phí.

Theo TechUnwrapper, sau phần mềm độc hại Revive hay BRATA - một trong những phần mềm độc hại nguy hiểm nhất trên thế giới, người dùng Android lại phải đối mặt với phần mềm độc hại mới ẩn trong một số ứng dụng của Google Play Store. Được đặt tên là “Autolycos”, phần mềm độc hại này vừa được phát hiện bởi nhà nghiên cứu bảo mật Maxime Ingrao tại Evina.

Hiện tại, nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy ít nhất 8 ứng dụng có sẵn trên Play Store và đã được tải xuống tổng cộng gần 3 triệu lần. Một số ứng dụng độc hại trong số này đã bị xóa, nhưng hai ứng dụng vẫn có sẵn để tải xuống từ Play Store.

Mục tiêu của Autolycos là buộc người dùng đăng ký các dịch vụ cao cấp. Đây là cách thức hoạt động của phần mềm độc hại và được Microsoft cảnh báo gần đây rằng mục tiêu chính của chúng là hệ điều hành Android của Google. Nó thường sử dụng một thiết bị bị nhiễm virus để kết nối với các trang thanh toán của dịch vụ trả phí và buộc người dùng đăng ký nội dung trả phí dẫn đến hao hụt một khoản tiền lớn của người dùng.   

Trong số 8 ứng dụng chứa phần mềm độc hại Autolycos, 2 ứng dụng vẫn có sẵn trên Play Store, bao gồm Razer Keyboard & Theme của Xcheldiolola và Funny Camera của KellyTech. Cả hai đều đã được tải xuống tổng cộng 550.000 lần.   

Ngoài ra, các ứng dụng độc hại khác được phát hiện bao gồm:   

Vlog Star Video Editor (com.vlog.star.video.editor) - 1 triệu lượt cài đặt 

Creative 3D Launcher (app.launcher.creative3d) - 1 triệu lượt cài đặt 

Wow Beauty Camera (com.wowbeauty.camera) - 100.000 lượt cài đặt 

Gif Emoji Keyboard (com.gif.emoji.keyboard) - 100.000 lượt cài đặt 

Freeglow Camera 1.0.0 (com.glow.camera.open) - 5.000 lượt cài đặt 

Coco Camera v1.1 (com.toomore.cool.camera) - 1.000 lượt cài đặt 

Nếu có một trong các ứng dụng đó trên smartphone Android của mình, người dùng được khuyến cáo nên gỡ cài đặt càng sớm càng tốt

Người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ smartphone tầm trung sang giá rẻ

Thông tin từ Neowin cho biết, xu hướng này xảy ra khi smartphone giá rẻ đang ngày càng trở nên tốt hơn, kết hợp với chi phí sinh hoạt tăng cao khiến khách hàng phải đánh giá lại những gì họ mua. Ngoại trừ Apple tập trung chủ yếu vào điện thoại cao cấp, các thương hiệu khác đều hoạt động ở nhiều phân khúc khác nhau.

Dữ liệu của Canalys cho thấy doanh số smartphone trên toàn cầu trong quý 2 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, Samsung chiếm thị phần cao nhất với 21% nhờ dòng thiết bị Galaxy A cấp thấp, còn Apple ở vị trí thứ hai với 17% thị phần, với iPhone 13 vẫn có nhu cầu cao bất chấp mức giá cao. Các thương hiệu Xiaomi, Oppo và Vivo lần lượt ở vị trí tiếp theo, với mỗi hãng đều mất từ 1 - 3% thị phần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà phân tích Runar Bjørhovde tại Canalys nói sự sụt giảm doanh số bán hàng chủ yếu do vấn đề lạm phát tại các nền kinh tế trên thế giới, buộc các nhà sản xuất smartphone phải đánh giá lại danh mục thiết bị của họ. Ông mô tả thị trường smartphone tầm trung đang dư cung do người tiêu dùng đang chuyển hướng tập trung vào phân khúc giá rẻ.

Hương Anh (tổng hợp)