Tiêu dùng & Dư luận

Những tuyên bố hùng hồn của CEO Phạm Văn Tam trước khi Asanzo "dính phốt"

Trước khi Asanzo bị khui chuyện hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, ông Phạm Văn Tam-CEO của tập đoàn này từng có nhiều phát ngôn hùng hồn thể hiện tham vọng đưa Asanzo ra biển lớn...

Những ngày này, trên các mặt báo tràn ngập thông tin hàng điện tử Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam.

Nhưng trong một diễn biến lạ, ông Phạm Văn Tam, CEO của Tập đoàn Asanzo cho biết “sản phẩm Asanzo không phải Made in Việt Nam mà xuất xứ tại Việt Nam”!

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo

Chia sẻ với PV báo VietNamNet về lô hàng linh kiện lò nướng thủy tinh bị Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra tháng ngày 7/9/2018, ông Tam khẳng định Asanzo đã ngừng sản xuất các mặt hàng này từ khoảng tháng 6/2018.

Ông Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ hoặc trong những bài báo trước đó, không khó để thấy những tuyên bố hùng hồn của vị CEO gốc Quảng Ninh về tham vọng đưa Asanzo thành ông lớn của thị trường hàng điện tử Việt Nam.

Phạm Văn Tam sinh năm 1980 tại Quảng Ninh. Sau khi học hết phổ thông, CEO Asanzo quyết định không vào đại học.

Một tờ báo từng giới thiệu một cách đầy trân quý về CEO của tập đoàn điện tử “Xuất xứ Việt Nam” rằng: “Không chọn vào đại học như nhiều chủ doanh nghiệp khác, quá trình bươn chải cuộc sống đã giúp Phạm Văn Tam tay trắng dựng cơ đồ nghìn tỷ”.

“Để phát triển một thương hiệu điện tử, nhất là với doanh nghiệp thuần Việt như Asanzo là rất khó. Tiền có thể không có nhưng phải có kinh nghiệm”

“Lĩnh vực khác thì tôi không dám chắc, còn với điện tử thì tôi rất tự tin”

“Thành tựu Asanzo có được không phải điều kỳ diệu hay may mắn, mà xuất phát từ sự thấu hiểu khách hàng”.

Thành công của Asanzo đến từ 4 chữ “hiểu”: hiểu thị trường, hiểu sản phẩm, hiểu đối thủ và hiểu khách hàng.

“Asanzo hiểu người dân Việt Nam… Từ đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, tôi đều hiểu hết khách hàng”

“Doanh nghiệp Việt muốn trỗi dậy thì đừng theo cái bóng của các ông lớn mà cần tập trung vào thế mạnh cốt lõi, thấu hiểu thị trường, sản phẩm, đối thủ, khách hàng và kiên định với hành trình khởi nghiệp. Đó là chìa khóa để Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia khởi nghiệp xứng tầm, một “Israel châu Á” trong tương lai”

Đình Văn