Chính sách

Những trường hợp, đối tượng nào được sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ?

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Ngày 21/12, trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an, bộ này đã trả lời thắc mắc của một công dân về những trường hợp nào; đối tượng nào được sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ.

"Hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về thế nào là pháo hoa và pháo hoa nổ, do đó vi phạm về mua bán và sử dụng pháo trái phép ngày càng gia tăng (đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán). Bộ Công an cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành, pháo hoa là gì, pháo hoa nổ là gì? Những trường hợp nào; đối tượng nào được sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ?", công dân này thắc mắc.

Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, theo Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định: pháo bao gồm pháo nổ, pháo hoa.

Cụ thể, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi cho tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.

Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ quy định tại Điều 11, sử dụng pháo hoa quy định tại Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Sử dụng pháo trái phép bị xử lý thế nào?

Mức xử phạt hành chính: Căn cứ Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, khi sử dụng pháo mà không được phép thì người dân sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị tịch thu pháo sử dụng trái phép.

Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng: Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 "Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm." Khung tăng nặng của tội này là bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Như vậy khi sử dụng pháo làm gây rối trật tự công cộng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì người dân sẽ bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Người dân cần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về pháo, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Tuệ Minh