Dân sinh

Những "thủ phạm" khiến nước lũ khó tiêu thoát ở Thừa Thiên-Huế

Rác thải, bèo lục bình, nò sáo nuôi trồng thuỷ sản là một trong những “thủ phạm” gây cản trở dòng chảy của nước lũ ra đầm phá.

Theo thống kê, đợt mưa lũ từ ngày 13/11 đến 16/11 đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Toàn tỉnh có 16.345 nhà dân bị ngập nước. Riêng TP.Huế có 85% tuyến đường của 36 phường, xã bì bõm trong nước. Hàng trăm chiếc xe ô tô trong khu đô thị không kịp dời lên chỗ cao cũng bị nước ngập.

CLIP: MƯA TO KHIẾN ĐƯỜNG PHỐ Ở HUẾ NGẬP NƯỚC

Toàn thành phố Huế bị ngập nước diện rộng.

Lực lượng Công an đưa người dân đến nơi cao ráo, an toàn.

Ngoài ra, do một số vấn đề liên quan đến công tác dự báo thời tiết, việc nước lũ tiêu thoát chậm cũng là một nguyên nhân khiến ngập lụt diện rộng trên địa bàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện nay hệ thống thoát lũ vùng hạ du đã có cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ.

Đặc biệt, các trục thoát chính bị bồi lắng, rác, bèo cản dòng chảy, nò sáo nuôi trồng thủy sản gây cản trở dòng chảy ra đầm phá. Nhất là khu vực sau cống Cầu Long, cống Diên Trường ở hạ lưu sông Hương. Không chỉ vậy, hệ thống cảnh báo hạ du chưa đồng bộ, nhất là trong tình hình ngập lụt kéo dài nhiều ngày.

Rác thải, bèo lục bình ứ đọng tại các kênh mương, cống nước và cả nò sáo nuôi trồng thuỷ sản là một trong những “thủ phạm” gây cản trở dòng chảy của nước lũ ra đầm phá.

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, công tác vận hành hồ chứa hiện nay vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Độ chính xác của các bản tin dự báo mưa, đây là khó khăn khách quan chung do tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngoài ra, theo ông Hoà, dự báo định lượng mưa cực khó, mưa không đều giữa các khu vực, mưa cực đoan trong thời gian ngắn, mưa cực đoan khu vực hạ du sau đập. Việc chấp hành của các chủ hồ chứa trong quá trình vận hành còn có lúc chưa đảm bảo yêu cầu, trong khi chưa có thiết bị đo kiểm soát, giám sát lưu lượng vận hành qua tràn.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại trong quá trình vận hành liên hồ chứa; Triển khai tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin trong phòng, chống thiên tai nhằm thực hiện tốt nhất công tác điều tiết lũ cho vùng hạ du, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân trong mùa mưa lũ”, Ông Đặng Văn Hòa cho biết.

Ở một diễn biến khác, theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên-Huế, khoảng từ ngày 25/11 ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh mạnh di chuyển xuống phía Nam nước ta, ảnh hưởng đến tỉnh Thừa Thiên-Huế, trời chuyển lạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với đới gió Đông trên cao nên từ ngày 24/11 đến ngày 27/11 trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Riêng vùng Phú Lộc, Nam Đông lượng mưa cao hơn, có khả năng đạt 300-500mm, có nơi trên 800mm; gây ngập lụt diện rộng cho khu vực đồng bằng, các khu vực trũng thấp.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, không khí lạnh, gió mạnh trên biển trên địa bàn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và TP.Huế theo dõi sát diễn biến thời tiết cập nhật trên trang thông tin Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Website, facebook Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, HueS để thông tin kịp thời đến chính quyền và nhân dân; chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.

Chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương đưa tin về mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn được biết chủ động ứng phó; thông tin đến người dân ở các khu vực trũng thấp, các khu chợ, cơ sở kinh doanh để chủ động phòng tránh.

Rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…).

Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn.

Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ”.

Lê Kông