Thế giới

Những thách thức đón đợi tân Thủ tướng Phần Lan

Phần Lan – quốc gia vừa trở thành thành viên thứ 31 của NATO – cũng đang chứng kiến bước chuyển chính trị từ cánh tả sang cánh hữu.

Thủ tướng đắc cử của Phần Lan, Petteri Orpo, hôm 19/4 cho biết, ông đặt mục tiêu ra quyết định về việc sẽ mời bên nào tham gia các cuộc đàm phán liên minh chính thức trước Ngày Quốc tế Lao động (1/5).

Trước đó, hôm 18/4 quốc gia Bắc Âu đã tiến một bước gần hơn tới việc ra mắt một chính phủ mới, sau khi 9 đảng chính trị trong Eduskunta – cơ quan lập pháp Phần Lan – trả lời một loạt câu hỏi do ông Orpo đặt ra trong quá trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền.

Trong số 9 đảng, 8 đảng đã trả lời 46 câu hỏi về các lĩnh vực chính sách khác nhau. Đảng Trung tâm (Center Party) của Phần Lan tuyên bố họ không quan tâm đến việc tham gia chính phủ liên minh và quyết tâm trở thành một đảng đối lập trong 4 năm tới.

Ông Orpo không đưa ra quan điểm về câu trả lời của từng đảng đối với bộ câu hỏi, nhưng có kế hoạch tổ chức các cuộc họp với từng bên vào ngày 24 và 25/4 tới để làm rõ lập trường của họ.

“Trong số các vấn đề, các vấn đề về kinh tế, việc làm và tăng trưởng vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ”, ông Orpo cho biết. “Những điều này nên được đàm phán và thảo luận. Rõ ràng là có sự khác biệt giữa các bên về cách thức, nhưng đó là lý do tại sao bây giờ sẽ có các cuộc thảo luận tiếp theo”.

Đảng Liên minh Quốc gia (NCP) trung hữu của ông Petteri Orpo giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 2/4/2023 và trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Phần Lan khóa tới. Ảnh: Getty Images

Trong cuộc tổng tuyển cử hôm 2/4 ở Phần Lan, Đảng Liên minh Quốc gia (NCP) trung hữu do ông Orpo dẫn dắt đã giành chiến thắng sít sao.

Với 48 ghế trong quốc hội đơn viện gồm 200 ghế, NCP trở thành đảng lớn nhất trong Eduskunta, theo sau là Đảng Finns cực hữu với 46 ghế và Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) trung tả với 43 ghế.

Giờ đây khi quốc gia Bắc Âu đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tân Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội, bên cạnh mối đe dọa của một cuộc suy thoái.

Ông Orpo luôn coi nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu của mình và muốn cắt giảm chi tiêu công trong bối cảnh tỉ lệ nợ trên GDP của Phần Lan đã tăng từ 64% vào năm 2019 lên 73%.

Mặc dù có mâu thuẫn với Đảng SDP của bà Sanna Marin về chính sách thắt lưng buộc bụng và xung đột với Đảng Finns của bà Riikka Purra về nhập cư, EU và chính sách khí hậu, ông Orpo cho biết ông vẫn để ngỏ các lựa chọn của mình và có thể hợp tác với đảng cánh tả hoặc đảng cực hữu trong quá trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền.

Thủ tướng đắc cử của Phần Lan Petteri Orpo (trái) bắt tay với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Sanna Marin. Ảnh: YLE

Sinh năm 1969 ở vùng nông thôn phía tây nam Phần Lan, ông Orpo có bằng đại học về khoa học chính trị. Ông là thành viên của Eduskunta từ năm 2007, và trở thành người đứng đầu Đảng NCP vào năm 2016.

Được coi là một nhà đàm phán ôn hòa và lão luyện, ông Orpo đã giữ một số chức vụ trong chính phủ, bao gồm Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan từ năm 2014 đến 2015, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan từ năm 2015 đến 2016 và Bộ trưởng Tài chính Phần Lan từ năm 2016 đến 2019.

Nhà lãnh đạo Bảo thủ đã nhận được lời khen ngợi trên hầu hết các lĩnh vực chính trị của Phần Lan vì với vai trò Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan, ông đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 ở châu Âu, khi quốc gia Bắc Âu này chứng kiến lượng người tị nạn đến tăng gấp 10 lần.

Tự cho mình là một người bảo thủ về tài chính, ông đặt mục tiêu cắt giảm chi tiêu cho trợ cấp thất nghiệp và các chương trình phúc lợi khác để giảm thâm hụt ngân sách chính phủ và tạo cơ hội cho việc cắt giảm thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đã kết hôn và có hai con, ông Orpo, 54 tuổi, cũng là sĩ quan dự bị trong lực lượng phòng vệ quốc gia của Phần Lan.

Minh Đức (Theo The Independent, Le Monde, YLE)