Giáo dục

Những tấm lòng giúp học sinh nghèo Thừa Thiên-Huế vượt khó giữa đại dịch

“Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19.

Khoảng 14.000 học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế không có phương tiện để học trực tuyến là con số thống kê vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này công bố.

Con số này đã nói lên những gian nan trên hành trình đưa tri thức đến với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn giữa đại dịch Covid-19 của ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nhiều học sinh ở Thừa Thiên-Huế vẫn chưa có phương tiện để học trực tuyến.

Nắm bắt những điều này, sáng ngày 11/10, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” và tiếp nhận quà tặng hỗ trợ từ các doanh nghiệp trên địa bàn.

“Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình được tổ chức trực tuyến, kết nối với các địa phương trên địa bàn Thừa Thiên-Huế.

Chương trình huy động nguồn lực tổng thể của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên cả nước đủ điều kiện học trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả; bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngay tại lễ phát động, sau khi tiếp nhận hỗ trợ quà tặng của các doanh nghiệp chương trình “Sóng và máy tính cho em”, lãnh đạo tỉnh cũng đã trao tặng máy tính cho 2 em học sinh mồ côi bố mẹ do đại dịch Covid-19.

ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trao tặng máy tính cho 2 em học sinh mồ côi bố mẹ do đại dịch Covid-19.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ủng hộ chương trình 70 triệu đồng.

Đại diện Viettel Thừa Thiên-Huế - Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội ủng hộ cước sử dụng dịch vụ viễn thông giá trị tương đương 2 tỷ đồng.

VNPT tỉnh Thừa Thiên-Huế ủng hộ cước sử dụng dịch vụ viễn thông giá trị tương đương 1 tỷ đồng.

Mobifone Huế ủng hộ cước sử dụng dịch vụ viễn thông giá trị tương đương 1,5 tỷ đồng.

“Ngoài việc hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số”, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ tại lễ phát động.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sự tham gia hỗ trợ của toàn xã hội sẽ rất có ý nghĩa trong việc giúp ngành giáo dục triển khai công tác dạy học trong điều kiện học sinh không thể đến trường. Ngành giáo dục cũng đã vận động trong giáo viên, nhân viên toàn ngành mỗi người 1 ngày lương với trị giá khoảng 4 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1.400 máy tính bảng cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Lê Kông