Đời sống

Những tác dụng phụ ít người biết của củ dền

Củ dền đã được trồng để làm thức ăn từ thời cổ đại. Cả lá và rễ loại thực phẩm này đều ăn được. Tuy nhiên, rất ít người biết được tác dụng phụ khi sử dụng củ dền đỏ không đúng cách.

Củ dền có thể gây sỏi mật- Ảnh minh họa. 

Củ dền chứa một nguồn folate dồi dào và có lượng sắt, kali, vitamin C, ma-giê, mangan, kali, bioflavonoid, beta-carotene và chất xơ. Nhờ đặc điểm đặc trưng là sắc tố đỏ tươi mà đôi khi củ dền còn được sử dụng làm thuốc nhuộm.

Tuy nhiên, đối với những người có một số tình trạng sức khỏe hoặc vấn đề di truyền, ăn củ dền có thể gây ra một số phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình.

Nước tiểu màu hồng

Khoảng 10-14% người ăn củ dền khi đi tiểu sẽ thấy nước tiểu có màu hồng hoặc màu đỏ. Nước tiểu pha màu này có vẻ đáng báo động vì chúng trông giống như nước tiểu có đầy máu và có thể kèm theo nhiễm trùng đường tiểu. Tình trạng này phổ biến tới mức có một thuật ngữ y khoa gọi là beeturia (nước tiểu có màu hồng khi ăn nhiều củ dền đỏ).

Có giả thuyết cho rằng beeturia đôi khi được gây ra bởi một gien hoặc một tập hợp các gien lặn. Nó cũng liên quan đến tình trạng thiếu hụt sắt trong cơ thể. Beeturia có thể xuất hiện và biến mất phụ thuộc vào số lượng sắc tố trong củ dền ăn vào hoặc phụ thuộc vào dạng mà chúng được tiêu thụ cũng như lượng chất sắt cần thiết cho cơ thể.

Ảnh hưởng đường ruột

Beeturia đôi khi cũng ảnh hưởng đến chuyển động ruột của bạn. Sắc tố màu đỏ trong củ dền có thể làm cho phân của bạn trở nên đen lại. Thậm chí, đôi khi bạn còn chứng kiến các vệt màu đỏ đáng ngờ khi bạn đi cầu hoặc nhìn thấy những vệt tương tự như vệt do bệnh trĩ hoặc vết nứt hậu môn.

Sỏi thận

Củ dền khá giàu a-xít oxalic. A-xít oxalic, hay oxalat, có thể gây cản trở việc hấp thu một số chất dinh dưỡng nhất định như can-xi. Một số bác sĩ tin rằng có một mối liên quan giữa việc tiêu thụ các thực phẩm có oxalat cao và sự hình thành sỏi thận dạng can-xi oxalat. Tuy nhiên, tờ New York Times cho rằng những người bị bệnh thận không nên loại bỏ các thực phẩm có oxalat cao trong chế độ ăn uống mà không có một khuyến cáo cụ thể từ bác sĩ.

Có thể gây sỏi mật

Mặc dù không liên quan đến sỏi thận, nhưng sỏi mật cũng được hình thành từ các tinh thể a-xít oxalic. Do đó bác sĩ có thể khuyên bạn tránh ăn các thức ăn có nhiều chất oxalat như củ dền nếu bạn dễ bị sỏi mật. Một lần nữa, nếu không có khuyến cáo cụ thể từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, bạn không nên loại bỏ củ dền hoặc các thực phẩm có oxalat cao khác.

Tích sắt quá mức

Người bị bệnh thừa sắt (hemochromatosis) hoặc bệnh Wilson nên tránh tiêu thụ củ dền quá mức do khả năng tích tụ sắt và đồng. Bệnh thừa sắt là một dạng bệnh quá tải sắt, trong khi bệnh Wilson là một rối loạn làm cho cơ thể người không thải được lượng đồng quá mức.

Thận trọng với phụ nữ mang thai

Theo Mayo Clinic, phụ nữ mang thai nên tiếp cận betaine với sự thận trọng, vì hiện vẫn còn thiếu những thông tin an toàn về việc sử dụng củ dền thường xuyên ở phụ nữ mang thai.

Việc sử dụng củ dền để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể là điều hoàn toàn cần thiết, tuy nhiên, bạn cần phải cân nhắc sử dụng cho hợp lý để tránh được các tác dụng phụ kể trên.

Trang Dung (t/h)