Thế giới

Những “shipper” siêu đặc biệt khiến Nhật Bản phải sửa đổi luật giao thông

Nhật Bản đã đưa ra một giải pháp giao hàng giúp giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao hàng truyền thống và tiết kiệm chi phí vì không cần nhiều lao động.

Nhật Bản, một trong những quốc gia thân thiện với công nghệ nhất châu Á, sẽ chứng kiến các dịch vụ chính thức đầu tiên của robot giao hàng tự động kể từ tháng 4 năm nay.

Nhật Bản đã sửa đổi luật giao thông đường bộ để mở đường cho robot giao hàng đi trên đường giống như con người và phương tiện giao thông của họ. Theo luật giao thông mới, robot tự lái có thể đi trên đường phố và giao hàng hóa và dịch vụ cho những người có nhu cầu.

Quốc gia này đã tiến hành thử nghiệm giao thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày bằng robot theo giai đoạn ở cả các khu dân cư và khu thương mại.

Theo Bộ Công nghiệp Nhật Bản, các cuộc thử nghiệm robot giao hàng tự động đã được tổ chức tại 5 trong số 47 tỉnh của nước này.

Thông minh và “quyến rũ”

Theo báo cáo trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản, robot giao hàng di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ đi bộ nhanh của một người trưởng thành trên một con phố lớn.  

Các robot điện sẽ được vận hành từ xa. Chúng được trang bị dữ liệu bản đồ về các con đường dành cho người đi bộ tại địa phương.

Công nghệ đằng sau những robot giao hàng này khá tiên tiến, với hệ thống điều hướng hiện đại cho phép chúng đi qua những địa hình tương đối phức tạp, từ đó vận chuyển hàng hóa đến đích một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Một nhân viên tại trung tâm điều khiển giám sát robot giao hàng của Panasonic sử dụng nguồn cấp dữ liệu trực tiếp từ camera từ xa tại thị trấn thông minh bền vững Fujisawa ở Fujisawa, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: France 24 AFP

Mỗi robot giao hàng được trang bị 6 camera giúp phát hiện các vật thể và con người xung quanh chúng để tránh va chạm. Nó có thể xác định màu sắc của đèn giao thông, di chuyển “đôi mắt” màn hình tinh thể lỏng của nó, và có thể đưa ra các cảnh báo bằng âm thanh như “rẽ phải” hay “rẽ trái”.

Robot DeliRo của công ty ZMP thậm chí có vẻ ngoài quyến rũ, nổi bật với đôi mắt to, biểu cảm có thể rơi nước mắt vì buồn nếu người đi bộ cản đường.

Trong khi đó, Panasonic cho biết robot Hakobo của họ có thể tự đánh giá khi nào nên rẽ và có thể phát hiện chướng ngại vật, chẳng hạn như công trình xây dựng và xe đạp đang đến gần, rồi dừng lại.

Ông Dai Fujikawa, kỹ sư của Panasonic cho biết, mỗi nhân viên tại trung tâm điều khiển Fujisawa sẽ giám sát đồng thời 4 robot thông qua camera và tự động được cảnh báo bất cứ khi robot bị mắc kẹt hoặc dừng lại do chướng ngại vật.

Con người sẽ can thiệp trong những trường hợp như vậy, cũng như ở những khu vực có nguy cơ cao như nút giao thông. Hakobo được lập trình để chụp và gửi hình ảnh đèn giao thông theo thời gian thực cho người điều khiển và chờ hướng dẫn, theo ông Fujikawa.

Bài toán già hóa dân số

Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới. Hơn 38% dân số ở quốc gia này ở độ tuổi 60, và khoảng 29% ở độ tuổi trên 65. Nhiều người sống ở các vùng nông thôn thưa dân, không dễ dàng tiếp cận các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Tình trạng thiếu lao động ở các thành phố và các quy định mới hạn chế làm thêm giờ đối với tài xế xe tải cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc theo kịp nhu cầu giao hàng và thương mại điện tử do đại dịch gây ra.

Tỉ lệ người già trên 65 tuổi của Nhật Bản đã tăng lên hàng năm kể từ năm 1950 và dự kiến sẽ đạt 35,3% tổng dân số vào năm 2040. Ảnh: Japan Times

Dân số già của Nhật Bản có tác động cực kỳ tiêu cực đến sức khỏe kinh tế của Nhật Bản. Theo một nghiên cứu, Nhật Bản sẽ cần tăng tuổi nghỉ hưu lên 77 để ngăn chặn những tác động nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe nền kinh tế do tình trạng trì trệ dân số này.

Tự động hóa và robot tự động được cho là một giải pháp tiềm năng, chắc chắn giúp Nhật Bản chống lại lực lượng lao động đang bị thu hẹp, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu nhân viên giao hàng ở một quốc gia thiếu lao động kinh niên.

Năm 2023 sẽ là một năm thay đổi cuộc chơi trong lịch sử Nhật Bản với sự gia tăng của các dịch vụ giao hàng hoàn toàn tự động bằng robot.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, lĩnh vực thương mại điện tử ở Tokyo sẽ có nhu cầu tăng 85% vào năm 2030, và theo đó, thành phố sẽ cần tăng 70% số lượng phương tiện giao hàng. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng, sự gia tăng của robot giao hàng tự động là một tin tốt cho Nhật Bản.

Triển khai theo giai đoạn

Robot giao hàng đã nhận về những phản ứng khá tích cực từ người dân xứ sở mặt trời mọc.

“Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời”, chị Naoko Kamimura, một người qua đường nói sau khi mua thuốc ho từ robot Hakobo của hãng Panasonic trên đường phố Tokyo.

“Nhân viên bán hàng có thể khiến chúng ta yên tâm hơn, nhưng với robot, chúng ta có thể mua sắm thoải mái hơn. Kể cả khi chúng ta thấy không có gì đáng mua, chúng ta vẫn có thể rời đi mà không cảm thấy áy náy”, chị Kamimura cho biết.

Các nhà chức trách không tin rằng robot giao hàng sẽ xuất hiện tràn ngập trên đường phố Nhật Bản trong thời gian ngắn, vì họ vẫn chịu áp lực phải bảo vệ việc làm của con người.

“Chúng tôi không mong đợi sự thay đổi mạnh mẽ ngay lập tức, bởi vì có những công việc đang bị đe dọa. Tôi nghĩ rằng sự phổ biến của robot sẽ là một quá trình dần dần”, ông Hiroki Kanda, một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết.

Robot giao hàng DeliRo của công ty ZMP được chạy thử nghiệm ở tỉnh Nagoya vào tháng 12/2021. Ảnh: Japan Times

Robot giao hàng Hakobo của Panasonic bán đồ uống nóng và đồ ăn nhẹ tại khu thương mại và mua sắm Marunouchi, Tokyo, ngày 13/1/2023. Ảnh: Taipei Times

Các chuyên gia như Yutaka Uchimura, giáo sư kỹ thuật robot tại Viện Công nghệ Shibaura (SIT) cũng nhận thức được những hạn chế của công nghệ. “Ngay cả những tác vụ đơn giản nhất do con người thực hiện, robot cũng khó có thể bắt chước được”, ông Uchimura khẳng định.

Ông Uchimura cho rằng biện pháp an toàn nhất là triển khai robot ở các vùng nông thôn thưa thớt dân cư trước. Tuy nhiên, theo các công ty, nhu cầu cao hơn ở các thành phố sẽ khiến việc triển khai ở khu vực đô thị trở nên khả thi hơn về mặt thương mại.

Một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ quản lý những robot này, liệu những người lao động phổ thông có thể quản lý chúng, hay cần có một nhóm những người có tay nghề cao hơn. Nếu điều thứ hai là đúng, thì việc sử dụng robot có thể gây khó khăn cho số lượng công nhân còn lại trong lực lượng lao động Nhật Bản, vì họ cần được

Do vậy, cần phải đào tạo những người trẻ tuổi của Nhật Bản bất kể nền tảng kinh tế nào để họ có thể giám sát, quản lý, điều khiển và sửa chữa những robot này.

Nguyễn Tuyết (France 24, Euronews, WION, The Global Economics)