Dân sinh

Những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt bao đời

Trải qua bao biến động của lịch sử, người Việt vẫn luôn giữ gìn những phong tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền.

Gói bánh chưng, bánh tét

Phong tục gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết.

Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp (không đơn giản là lúa nước). Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh giầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta.

Phải là những người có bàn tay khéo léo mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Đây cũng là nét văn hóa cộng đồng cao khi người này nhờ người kia gói bánh. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì thú bằng.

Lau dọn nhà

Tất cả đồ vật, chén bát đũa đều được đem ra sửa soạn và trưng bày. Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị “tiễn năm cũ, đón năm mới”. Cùng công việc dọn dẹp cũng là lúc xem lại xem còn nợ nần ai cái gì thì phải trả, không để nợ hai năm mà thành “nợ cả đời”. Đây là phong tục tổng kết các quan hệ để xem nợ thì phải trả trước Tết, ơn thì phải đem lễ vật đến để đáp ơn, cũng có ý không nợ ơn qua năm.

Đón giao thừa

Giao thừa là lúc chứng kiến trời đất gặp nhau. Khi trời đất gặp nhau sẽ toát ra một linh khí mà ai lúc đó được chứng kiến sẽ thấy trào dâng cảm xúc. Đón giao thừa bao giờ cũng cúng ngoài trời, có thể cúng mặn hoặc cúng hoa quả. Cùng với việc cúng giao thừa này, trên bàn thờ trong nhà bao giờ cũng có ngũ quả gồm chuối (chuối tiêu), bưởi, bòng, cam quýt. Ở miền Nam thờ trái theo ngôn ngữ nên thường có ngũ quả gồm mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc) hoặc dứa (thơm); đó là cầu - vừa - đủ - xài - sung hoặc cầu - vừa - đủ - xài - thơm.

Tục xông đất mùng 1 Tết

Xông đất có thể là chọn người từ trước và người được chọn sẽ đến vào lúc sớm nhất trong năm. Xông đất được tính từ lúc sáng sớm (mặt trời hé rạng) và trong ngày mồng một. Người kỹ tính không đến thăm nhà khác vào ngày mồng một, nhất là người còn để tang người thân. Cũng có người chọn sự ngẫu nhiên trong việc xông nhà để chiêm nghiệm trong năm.

Lì xì đầu năm

Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất và lấy may từ những ngày đầu năm mới. Lì xì bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng 1 Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10.

Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Bao lì xì thường có màu đỏ, với người châu Á màu đỏ là một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc - người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc.

Đi lễ chùa đầu năm

Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.

Đi chúc Tết

Sáng mùng 1 Tết, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người thêm một tuổi, bởi vậy ngày mùng 1 Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).

Phong Linh (tổng hợp)