Dân sinh

Những phận đời mưu sinh ngày cận Tết để “bánh chưng có thêm chút thịt lợn”

Giáp Tết, người người bắt đầu đổ xô ra đường để mua sắm, trang hoàng nhà cửa, thì có những phận đời vẫn vất vả mưu sinh.

Ngày 23/1 (29 Tết) mọi người bắt đầu rộn ràng mua sắm Tết, các tuyến đường tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An kẹt cứng xe cộ. Các điểm cây cảnh trên những tuyến phố lớn ở trung tâm tấp nập người mua, kẻ bán.

Cũng chính vì vậy, đây cũng là cơ hội để nhiều lao động có thêm thu nhập, nên họ quyết định chưa nghỉ Tết mà tìm nhiều việc để mưu sinh. Đặc biệt, trong đó là những người làm nghề bốc vác, vận chuyển hoa, cây cảnh từ chợ về nhà cho người mua.

Nhiều người hào hứng đi mua sắm Tết.

Theo những người lao động, để kiếm được mối chở hàng, họ thường chọn vị trí đông người mua sắm hay tiệm bán hoa có nhiều mặt hàng đẹp. Ông Nguyễn Văn Minh (60 tuổi), trú huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cũng là người có kinh nghiệm nhất trong nhóm lao động cho biết.

“Vất vả một tí nhưng có thêm tiền để mua sắm Tết. Tiền công họ cũng trả cao hơn ngày thường, vì vậy chúng tôi làm đến tối 30 Tết mới nghỉ”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, một chuyến như thế này trong bán kính tầm 6-7 cây số, đem lại cho người làm dịch vụ vận chuyển như ông khoảng 150.000 đồng. Trung bình mỗi ngày cuối cùng này, ông Minh đi được khoảng chục chuyến vận chuyển cây cảnh.

Nhu cầu chở cây cảnh cao đã giúp người lao động có thêm thu nhập.

Nhiều người cố gắng làm việc dù sắp đến năm mới.

"Cũng chỉ mấy ngày Tết mới được như thế, chứ bình thường kiếm sống khó khăn lắm. Vì vậy chúng tôi mới cố gắng làm, chứ ai chẳng muốn về cùng gia đình đón năm mới", ông Minh thở dài. Theo ông Minh, do làm việc đến tận ngày cuối cùng của năm nên gia đình vẫn chưa kịp mua sắm gì cả, hơn nữa cũng do gia đình khó khăn nên việc ăn Tết cũng đơn giản hơn. Thế nên thường thì vào tối 30 Tết, ông sẽ cố mua cây đào “ế” để đưa về trang trí cho gia đình.

Làm dịch vụ chở quất, đào tại đây còn có thêm những người ngày thường chạy xe ôm, chạy hàng, chở vật liệu xây dựng. Do nhu cầu cao nên từ 23 tháng Chạp, những người này lại “bỏ nghề” để làm dịch vụ chở cây cảnh thuê. Tại các cửa hàng hoa, cây cảnh, những chiếc xe máy, xe kiến an, xe bán tải... luôn vây quanh để vận chuyển cây cảnh tết cho khách.

May mắn năm nay thời tiết không lạnh, thậm chí vào ngày 28 - 29 Tết ở xứ Nghệ trời còn nắng ấm, cũng giúp những mảnh đời mưu sinh đỡ cơ cực hơn. “Với những người buôn bán như chúng tôi, càng dịp Tết càng bận. Bởi nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết tăng mạnh. Chúng tôi cũng phải tranh thủ thời gian kiếm ít tiền tiêu Tết”, chị Nguyễn Thị Hà cho hay.

Một số em nhỏ phụ giúp gia đình bán đào Tết.

Điều đáng nói, những ngày nay không khó để có thể thấy nhiều trẻ em cũng tranh thủ ngày nghỉ học để đi bán đào Tết phụ giúp gia đình. Độ tuổi các em khoảng 10-15 nhưng cũng đã biết mời khách và ngả giá như người buôn bán thực thụ. Một thương lái cho biết: “Ngày Tết nên mấy đứa tự ra phụ giúp bố mẹ thôi, ra năm còn có tiền mua thêm tấm áo để mặc, cũng để học cách buôn bán, chứ không gia đình nào bóc lột sức lao động của con đâu”, một thương lái cho hay.