Đa chiều

Những nỗi thắc thỏm

Tin trên một tờ báo hôm qua: “Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra công văn yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo rà soát, báo cáo các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các trường”. Nó chứng tỏ tình hình đã đến mức... tình hình.

Một cô giáo nhắn tin cho tôi: "Cái phần giáo dục ngoài giờ lên lớp ấy chú, đại đa số các trường không dạy mà kê tên HT, HP đó chú. Trong chương trình chính khóa của nhà trường, quyết định 16/2016 của Bộ Giáo dục quy định: Hoạt động ngoài giờ lên lớp là nội dung chính khóa, nhà trường phải phân công người phụ trách và thể hiện ở thời khóa biểu. Nhưng nhiều và rất nhiều trường họ không phân công người dạy, cuối năm họ kê tên hiệu trưởng, hiệu phó dạy đó chú.

Tôi hỏi lại: Kê tên có tính tiền không? Dạ có chứ ạ. Có tính tiết dạy là có tính tiền. Chỉ là dạy thật hay dạy trên giấy tờ thôi ạ.

Và nữa. Cháu là giáo viên nên cháu hỏi thì có lẽ không tiện cho công việc của cháu nên cháu nhờ chú hỏi dùm cháu: việc nhà trường trong nhiều năm không phân công người dạy hoạt động ngoài giờ lên lớp (chương trình cũ trước 2018) thì có vi phạm quy chế chuyên môn không và xử lý thế nào?

Tôi hứa là sẽ đưa vào bài viết để có người đủ chuyên môn trả lời cô giáo.

Một tờ báo khác đưa tin: “Nhiều phụ huynh có con đang theo học các trường tiểu học trên địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bức xúc việc tổ chức học thêm qua hình thức câu lạc bộ. Đáng nói, đây là hoạt động ngoại khoá nhưng được xếp vào thời khoá biểu chính khoá”.

Sau khi báo đăng bài này, lại cũng có nhiều giáo viên và phụ huynh nhắn tin cho tôi (họ biết tôi hay điểm tin từ các báo), bày tỏ sự bất bình trước những gì đang xảy ra ở ngôi trường họ đang dạy và các con họ đang học. Một số giáo viên than phiền là họ bị... làm phiền vì không ủng hộ việc coi hội phụ huynh học sinh là con bò sữa, không đồng tình việc chèn chương trình học thêm vào thành chính khóa, vân vân...

Nói gì thì nói, cái ban phụ huynh học sinh khá là cần thiết và có vai trò lớn trong việc chung tay với nhà trường giáo dục học sinh. Nhưng có vẻ như ngày càng bị biến tướng, mà biến tướng nặng nhất là thành... cỗ máy thu tiền. Thì vừa rồi một loạt vụ thu tiền đầu năm học khiến dư luận bất bình, thậm chí phải họp khẩn cấp ban đêm để...trả lại tiền cho phụ huynh là minh chứng.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra công văn yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo rà soát, báo cáo các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các trường. (Ảnh minh họa)

Tất nhiên bây giờ, phải nói ngay và luôn, không có tiền thì không thể làm được gì? Nhưng từ đấy đẻ ra tư tưởng là có tiền thì làm gì cũng được, và từ đó tìm mọi cách để kiếm tiền, kiểu tận thu, thì lại từ cực này sang cực khác.

Tôi chứng kiến có gia đình công chức, hai con đi học, đầu năm xất bất xang bang chạy tiền mua sách vở và đóng học cho con. Về nguyên tắc các khoản thu không nhiều, nhưng cộng tất cả vào thì nó là một món khá lớn, những là thu chính thức, thu quỹ lớp quỹ trường quỹ phụ huynh, chưa kể còn tiền học thêm, thời gian đưa đón đi học thêm vân vân trăm thứ phải lo.

Mới nhất sau vụ thu quỹ tới mười triệu đồng với mỗi học sinh lớp một, thành phố Hồ Chí Minh phải ra văn bản chấn chỉnh việc thu quỹ hội phụ huynh.

Về danh nghĩa, quỹ hội phụ huynh là quỹ tự nguyện, nhưng cái sự tự nguyện nó cũng hết sức “đa dạng”, để cuối cùng ai cũng phải... tự nguyện như ai.

Và vì thu khá dễ nên việc chi cũng nhiều cái lạ, nhiều khoản chi mà kể cả người có khả năng tưởng tượng cao nhất cũng chả nghĩ ra, như tiền chi để... chọn giáo viên tốt dạy lớp con mình, tiền... mua ghế đồng phục, tiền... xây trạm biến áp, tiền mua tivi, internet vân vân...

Bộ giáo dục, ngay từ đầu năm học, đã có rất nhiều quy định, nhiều nhắc nhở để các trường, các địa phương thực hiện tốt mục tiêu giáo dục. Song, như đã thấy, ở một số trường, một số địa phương vẫn còn những lệch lạc khiến phụ huynh và xã hội phản ứng. Thực ra nếu chỉ mình bộ Giáo dục loay hoay với dạy và học thì rất khó, nhưng cái kiểu chia quyền như hiện nay lại càng khó hơn. Bộ giáo dục mà không nắm biên chế giáo viên, không nắm tiền thì đúng là múa tay trong bị. Và khi không có tiền thì đành... phó thác cho phụ huynh. Và sự đóng góp, vì thế nó mới biến tướng, mới muôn hình vạn trạng, mới trở thành nỗi thắc thỏm mỗi đầu năm học.

Trăm điều khó, biết thế, nhưng đừng để những cái khó ấy ảnh hưởng tới sự nghiệp giáo dục của chúng ta.

*Bài viết thế hiện quan điểm riêng của tác giả.