Đời sống

Những người phụ nữ nổi tiếng thế giới vì sinh con muộn

Mọi người vẫn cho rằng phụ nữ trên 40 tuổi không nên sinh con. Thế nhưng trên thế giới vẫn có những trường hợp sinh con ngoài 60 tuổi.

Những bà mẹ "dũng cảm"

Mới đây, bà Safina Namukwaya 70 tuổi đón cặp song sinh tại Trung tâm Sinh sản và Bệnh viện Phụ nữ Quốc tế ở thủ đô Kampala, nơi bà được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Hai em bé chào đời ở tuần thứ 31 và được nuôi trong lồng ấp.

Chân dung người mẹ 70 tuổi sinh đôi thu hút sự chú ý của nhiều người.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Tiến sĩ Edward Tamale Sali cho biết người mẹ đã sử dụng trứng hiến tặng và tinh trùng của chồng để thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

"Đây là thành tựu phi thường khi giúp người mẹ lớn tuổi nhất châu Phi có được cặp sinh đôi", tiến sĩ Sali cho hay, thêm rằng cặp song sinh một trai một gái vẫn được chăm sóc tại bệnh viện, nhưng sức khỏe tốt.

Bác sĩ giám sát quá trình mang thai và sinh con của bà Namukwaya đánh giá, đây là thành tựu, hy vọng cho những người hiếm muộn. Và rằng tuổi tác chỉ là con số.

Một phụ nữ trẻ cũng có thể chết do biến chứng khi mang thai, một phụ nữ cao tuổi nếu khỏe mạnh vẫn có thể có con.

Mẹ và em bé vẫn đang được chăm sóc tại bệnh viện nhưng có sức khỏe tốt. Bà mẹ mới sinh Namukwaya cho biết, bà vô cùng hạnh phúc khi hạ sinh 1 bé trai, 1 bé gái ở cái tuổi được xem là ốm yếu không có khả năng mang thai, sinh con.

Được biết, ba năm trước, bà cũng đã sinh 1 bé gái sau khi bị người làng chế giễu là người phụ nữ bị nguyền rủa vì không sinh được con.

Namukwaya là người phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con tại bệnh viện Kampala, nơi chuyên giúp đỡ các cặp vợ chồng gặp khó khăn về khả năng sinh sản.

Có con ở độ tuổi hiếm có, bà mới sinh nói với AFP: “Ở tuổi 70, khi tôi được coi là già yếu, không thể mang thai và sinh nở hay chăm sóc con, thì cặp song sinh là một điều kỳ diệu”.

Trước khi chào đón đứa con đầu lòng cách đây 3 năm, bà Namukwaya cho biết bà từng bị cộng đồng nông thôn coi là “người phụ nữ bị nguyền rủa” vì không thể mang thai.

Chồng bà qua đời năm 1992, khiến bà không có con và bà gặp người bạn đời hiện tại vào năm 1996.

Sau khi bà Namukwaya sinh con, điều đáng buồn là người bạn đời hiện tại của bà vẫn chưa đến thăm vợ sau khi bà đẻ sinh đôi.

Bà Namukwaya đã chỉ trích người bạn đời của bà vì đã không đến thăm bà trong bệnh viện. Bà suy đoán rằng ông có thể cảm thấy khó chịu khi bà sinh đôi.

“Đàn ông không thích bạn mang thai nhiều hơn một đứa con. Kể từ khi tôi nhập viện ở đây, người đàn ông của tôi chưa hề xuất hiện”, bà Namukwaya than thở.

Đây không phải là lần đầu tiên một phụ nữ có tuổi sinh con. Năm 2019, một phụ nữ 73 tuổi ở miền nam Ấn Độ đã sinh đôi hai bé gái sau khi được chăm sóc IVF.

Mới đây, ở Việt Nam cũng có sản phụ 60 tuổi sinh con. Đây là người phụ nữ cao tuổi nhất đến thời điểm này sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Nói về quyết định có con ở độ tuổi quá cao, bà M. 60 tuổi ở Hải Phòng chia sẻ với báo Dân Trí, bà có con gái lớn hiện đang định cư ở nước ngoài, người con trai không may tai nạn qua đời năm 20 tuổi. Sau biến cố của con trai, vợ chồng bà vô cùng đau khổ, buồn bã, và cô quạnh. Ước mong có người con bên cạnh cho "vui cửa, vui nhà" nhưng do tuổi ông bà ngày càng cao, khả năng có thai tự nhiên không thể thực hiện được.

Qua tìm hiểu, gia đình biết được, có nhiều người phụ nữ tuổi như bà vẫn sinh con nếu có sự trợ giúp của kỹ thuật IVF. Sau nhiều đắn đo, cân nhắc, ông bà quyết định trao đổi với con gái và những người thân trong gia đình và được động viên thực hiện ý nguyện của mình.

Năm 2022, khi bà đã ở tuổi 59, chồng bà đã 62 tuổi đến với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng để bày tỏ nguyện vọng được làm IVF. Điều kỳ diệu xảy ra khi lần chuyển phôi thứ hai đã thành công. Thai kỳ diễn ra thuận lợi. Bé gái nặng 3,1kg chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và ê kíp bệnh viện.

Cần lưu ý gì khi sinh con muộn?

ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đưa ra 3 lưu ý cho những phụ nữ mang thai muộn sau 35 tuổi.

Thứ nhất, người phụ nữ nên khám sức khỏe trước khi dự định mang thai. Nếu không đủ điều kiện về sức khỏe thì không nên cố mang thai.

Thứ hai, trong quá trình mang thai phải sàng lọc dị tật, theo dõi chặt chẽ cả quá trình thai kỳ.

Thứ ba, phụ nữ mang thai nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm để tăng cường sức đề kháng cho mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.

Trúc Chi (t/h)