Pháp luật

Những người nào sẽ phải đổi sang căn cước công dân gắn chip?

Sắp tới, thẻ căn cước công dân ( CCCD) có gắn chip được triển khai trên toàn quốc, nhiều người quan tâm, ai phải đi đổi sang căn cước công dân gắn chip?

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ CCCD để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian 2 tháng.

Theo dự thảo, bộ Công an đề xuất thẻ căn cước sẽ có hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6mm, chiều rộng 53,98mm, độ dày 0,76mm. Về nội dung, ngoài ngôn ngữ Tiếng Việt, bộ Công an sẽ sử dụng thêm ngôn ngữ Tiếng Anh trong các trường thông tin của công dân trên thẻ căn cước.

Đáng chú ý, mẫu thẻ mới được gắn thêm con chip điện tử thay cho mã vạch điện tử màu đen; thêm dòng mã ICAO (mã của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế); mã QR code (mã phản hồi nhanh hay mã vạch 2 chiều). Thẻ CCCD mới này dự kiến sẽ thay thế cho thẻ CCCD hiện hành và sẽ thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Đặc biệt, thẻ CCCD theo mẫu mới sẽ được gắn chíp điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được cấp thẻ căn cước, chíp được gắn ở mặt sau của thẻ. Chưa hết, thẻ còn có phôi bảo an được gắn ở mặt trước. Thẻ CCCD được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. 

Trước đó, ngày 3/9, đề án Thẻ CCCD gắn chip đã chính thức được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 1368/QĐ-TTg. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để mẫu thẻ mới này được đưa vào triển khai trên thực tế. Đề án này với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng; trong đó, việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể dự án.

Mẫu thẻ CCCD được gắn chíp. Ảnh minh họa.

Thông tin trên được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người hiểu lầm rằng, khi thẻ CCCD gắn chip được ban hành, tất cả mọi công dân (dù là đang dùng CMND hay CCCD có mã vạch) đều phải đồng loạt đi đổi sang CCCD có gắn chip. Tuy nhiên, theo đại diện bộ Công an, chỉ có những người có CMND hoặc CCCD bị hết hạn, hoặc bị mất, hỏng mới phải đi đổi sang loại CCCD gắn chip. Khi CCCD gắn chip được đưa vào sử dụng thì sẽ song song tồn tại các loại giấy tờ tùy thân sau: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.

Đại diện bộ Công an cho hay, CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Cụ thể như: Tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Do đó công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây. Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.

Cũng theo đại diện bộ Công an, việc đổi sang CCCD gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số CCCD mã vạch trước đó. Vì thực tế, số trên CCCD gắn chip với số trên CCCD mã vạch là giống nhau, do đó, công dân không phải đi đổi lại các giấy tờ. Tương tự, sau khi được cấp CCCD gắn chip, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số CCCD trước đây bình thường mà không hề có bất cứ phiền toái nào.

Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đơn vị chủ trì xây dựng dự án cho biết: "Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ CCCD từ năm 2016, đến nay có 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh còn lại, công dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số. Thẻ CCCD gắn chip giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn..."

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8393/VPCP-NC truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng về việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Theo đó, Thủ tướng giao bộ Công an chủ trì hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình vào chíp điện tử trong thẻ CCCD.

Các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ Công an chủ động triển khai tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD trong các lĩnh vực công tác.

Hương Lan