Sức khỏe

Mỗi người công tác trong ngành y tế đều có thể nghiên cứu khoa học

Những ca bệnh nổi bật, hiếm gặp nhưng lại được xử lý tốt được đưa ra để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi qua lại lẫn nhau giữa những người đang công tác trong ngành y tế.

Ngày 25/5, tại trung tâm Hội nghị Eros Palace, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa, sở Y tế Đồng Nai đã tổ chức hội nghị Khoa học - Kỹ thuật ngành Y tế Đồng Nai lần thứ 7/2019. 

Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật ngành Y tế Đồng Nai lần thứ 7 quy tụ khoảng 500 đại biểu đến từ các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, các viện, trường đại học y dược, cao đẳng dạy nghề, các sở y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh, các công ty dược, mỹ phẩm… tham dự.

Hội nghị với sự tham gia của hơn 500 người.

Đây là hội nghị được tổ chức 3 năm một lần, nhằm tạo điều kiện để những người hoạt động trong ngành Y tế chia sẻ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn,...

TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc sở Y tế Đồng Nai chia sẻ: “Chúng tôi muốn qua hội nghị khoa học kỹ thuật lần này sẽ góp phần động viên, khích lệ y, bác sĩ, điều dưỡng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học hơn nữa. Bởi một khi bản thân có ý thức tự học, tự đào tạo các y bác sĩ, điều dưỡng sẽ có ý thức nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, hướng tới sự hài lòng cho người bệnh,…".

"Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với tất cả các y, bác sĩ trong quá trình hành nghề. Dù ở bất kỳ vị trí nào thì công tác nghiên cứu cũng sẽ giúp ích ít nhiều cho công việc chuyên môn”, BS Phan Huy Anh Vũ cho biết thêm.

Các đề tài: Hiệu quả Insulin trộn sẵn trong điều trị đái tháo đường type 2 của TS.BS Phan Hữu Hên, Phó trưởng khoa Nội tiết bệnh viện Chợ Rẫy; Xuất huyết tiêu hóa trên - điều trị và quản lý nguy cơ tái phát xuất huyết tiêu hóa của PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa bệnh viện đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch hội Gan mật TP.Hồ Chí Minh; Cập nhật Guideline Eau trong quản lý điều trị Luts của PGS-TS.Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch hội Tiết niệu - thận học Việt Nam,… đều được đánh giá cao.

Đem đến hội nghị khoa học lần này, đề tài Đánh giá kết quả phẫu thuật xương thuyền bằng kim Kirschner có ren tại bệnh viện đa khoa Thống Nhất, BS CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa và bác sĩ Nguyễn Quốc Lữ, Phó trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bỏng bệnh viện Đa khoa Thống Nhất mong muốn được chia sẻ phương pháp phẫu thuật xương thuyền bằng kim Kirschner với các đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, để người dân trong tỉnh biết được bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã và đang thực hiện được kỹ thuật này, cho kết quả phục hồi tốt lên đến 90%. Những bệnh nhân bị gãy xương thuyền có thể đến bệnh viện đa khoa Thống Nhất để được chẩn đoán, điều trị mà không phải tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí lên các bệnh viện tuyến trên.

Những người hoạt động trong ngành y tế tham dự để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau

Trong khi đó, 1 ca bệnh thực tế đó là trường hợp của anh Lê T.N. (27 tuổi) không có 2 tinh hoàn bẩm sinh. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình nên mãi đến năm 26 tuổi, anh N. mới đến bệnh viện Phụ sản Âu Cơ để hạ tinh hoàn. 

Khi tiếp nhận ca bệnh này, ThS.BS Dương Quang Huy, Trưởng khoa Nam khoa cho biết, đã cho bệnh nhân thử chất chỉ điểm ung thư và tinh dịch đồ vì 89% những ca bệnh tương tự không có tinh dịch.

Ðiều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân không thể có con. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân N. không bị ung thư tinh hoàn nhưng không có tinh trùng. Bệnh nhân được chỉ định hạ tinh hoàn và phải theo dõi sát sao 2 tháng tái khám 1 lần để thử tinh dịch đồ. 

Ca mổ của bệnh nhân N. khó hơn các bệnh nhân khác vì 1 bên tinh hoàn nằm sâu trong ổ bụng, 1 bên nằm trên bẹn. “Việc hạ tinh hoàn từ ổ bụng xuống tinh hoàn khó vì cuống tinh hoàn ngắn. Chúng tôi phải kéo dài cuống này để đảm bảo tinh hoàn xuống bìu như bình thường”, BS Huy kể.

Hai tháng sau mổ, bệnh nhân bắt đầu có vài tinh trùng đầu tiên. Nhưng để trữ đông, bác sĩ cần phải lấy vài triệu con mới đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, phải đến tháng thứ 6 sau mổ, bác sĩ mới lấy đủ tinh trùng để trữ đông cho bệnh nhân.

“Rất nhiều bệnh viện thực hiện được kỹ thuật hạ tinh hoàn nhưng việc dự trữ tinh trùng lại không phải nơi nào cũng có, chỉ những cơ sở hiếm muộn mới làm được điều này. Việc trữ đông tinh trùng nhằm dự bị những trường hợp xấu có thể xảy ra với bệnh nhân. Còn bệnh nhân N. vẫn có khả năng có con tự nhiên”, BS Huy chia sẻ.

Theo BS Huy, bệnh lý tinh hoàn ẩn như bệnh nhân N. cần được chữa trị từ 6 - 18 tháng sau sinh. Nhưng thực tế, tại Việt Nam, số nam giới bị bệnh tinh hoàn ẩn, đặc biệt là một bên được chữa trị muộn lại rất nhiều. Khi can thiệp sớm, khả năng sinh sản của bệnh nhân sẽ được bảo tồn tốt. Ngược lại, càng để lâu, tinh hoàn sẽ teo lại và mất chức năng sinh sản, khả năng ung thư tinh hoàn cũng cao hơn.

“Thông qua hội nghị khoa học lần này, tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp về ca bệnh điển hình này. Tôi mong những trường hợp tương tự, các bác sĩ ngoại niệu nên kết hợp cùng các bác sĩ chuyên về hiếm muộn hoặc giới thiệu bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên về sản và hiếm muộn như: bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, Mỹ Ðức, An Sinh, Vạn Hạnh, Phụ sản quốc tế, Phụ sản Âu Cơ… để trữ đông tinh trùng", BS Huy nói.

Ðề tài này cũng đã được BS Huy báo cáo tại hội nghị sinh sản châu Á - Thái Bình Dương diễn ra đầu tháng 5 tại Hồng Kông.