Bất động sản

Những món "lạc kèm bia" đẩy giá đất khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn

Trước những lùm xùm liên quan đến đất khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn, giá đất tại đây vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, mỗi ngày vẫn tấp nập kẻ bán người mua. Các "cò đất" không ngừng mời chào, "phô diễn" những lợi thế bổ béo cho khách hàng trước khi quyết định đầu tư.

Những ngày qua, vụ “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn vẫn chưa ngừng hết nóng, đặc biệt, ngày 21/10, Thanh tra TP.Hà Nội đã quyết định 

Những câu hỏi lớn như “chủ nhân những căn biệt thự kiên cố, bề thế giữa bạt ngàn rừng núi kia là ai?”, “làm thế nào để hợp thức hóa trong thủ tục mua bán?”, “sai phạm sẽ được xử lý ra sao?”... vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng.

Tìm hiểu và giải đáp một phần những thắc mắc trên, ngày 22/10, PV Người Đưa Tin đã về khảo sát lại tại 2 xã Minh Trí và Minh Phú.

Bán "bia kèm lạc" và những lời khẳng định chắc nịch

Ngay trong thời điểm đất đai ở các khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn đang trở nên “nhạy cảm”, các “cò đất” vẫn nhiệt tình rao bán nhiều lô đất kèm những lợi ích “béo bở”. Đất ở các khu vực này vẫn tấp nập kẻ bán người mua.

Liên hệ với một “cò đất” tên Lê Cường, anh ta mời chào một lô có sổ đỏ gần 4.000m2 đất thổ cư ngay mép hồ Anh Bé, còn gọi hồ Phú Nghĩa (xã Minh Phú). Với giá 5 triệu đồng/m2, lô đất gần khu nghỉ dưỡng Thiên Phú Lâm này được định giá gần 20 tỷ đồng.

“Lô đất đang có sổ đỏ hơn 800m2 được phép xây dựng, nhưng khi sang tên đổi chủ, nếu có nhu cầu mở rộng diện tích để tiện làm dịch vụ thì chỉ cần đóng thêm tiền. Đang có gần 1.000m2 trong miếng đất, muốn lên 2.500-3.000m2 thì đóng thêm thuế phí, sẽ được ghi trong sổ là đất ở. Chưa đóng tiền vẫn xây được, xây cả 4.000m2 cũng được, kiểu kiến trúc liền kề, xây nhà cao tầng bề thế cũng vô tư... “Lùm xùm” xảy ra ở đoạn trên chứ đoạn này hoàn toàn yên tâm” - Lê Cường khẳng định chắc nịch.

Bên cạnh việc “thoải mái mở rộng diện tích”, “cò đất” Cường còn không ngừng dẫn dụ bằng những cái tên “có tiếng”: “Xung quanh khu vực này quá nhiều “sếp”. Có tiền người ta mới dám mua đất ven hồ, không có tiền chỉ mua được đất ven ngoài giá tầm 2,5 triệu đồng/m2 thôi".

Người tên Lê Cường cũng đưa ra một danh sách các cán bộ lãnh đạo, thậm chí có cả những người làm sâu và am tường về pháp luật với mục đích thuyết phục rằng, khu vực này an ninh cực tốt, lối sống văn minh, thích hợp xây nhà, xây khu nghỉ dưỡng trong phần quy hoạch khá đẹp này.

Kiến trúc nhà vườn khá nổi bật tại xã Minh Phú.

PV Người Đưa Tin tiếp tục liên hệ với một “cò đất” tên Nguyễn Giang, người rao bán gần 8.000m2 đất hồ Đồng Đò (xã Minh Trí).

Tương tự, "cò đất” Giang không quên “phô diễn” nhiều lợi thế của lô đất nhằm tăng sức hấp dẫn: "Quanh hồ bây giờ chỉ còn lại đúng mảnh này ngay mép hồ, địa thế đẹp, “tựa núi, nhìn hồ”. Mua đất này sẽ được nhận kèm 3,1ha rừng, được chuyển giao từ xã, có trách nhiệm trông coi bảo vệ.. Xung quanh khu này toàn người “có tiền” từ nội thành xuống mua"...

Anh ta khẳng định, nếu muốn, có thể dẫn khách hàng tới gặp những người đã môi giới thành công cho một vị lãnh đạo và chỉ rõ lô đất ấy hiện giờ đang đứng tên ai.

Chính vì “địa thế đẹp”, “hàng xóm chất” đầy hứa hẹn nên những lô đất trong khu vực này vẫn chưa bao giờ ngưng “sốt giá”, trung bình ở mức 5 triệu đồng/m2.

Nguyễn Giang ban đầu nói lô đất của mình đã có sổ đỏ đảm bảo, sau khi PV thắc mắc, “vì sao đất ven hồ Đồng Đò chưa ai có sổ đỏ mà lô này lại có?”, anh ta khẳng định: “Hiện tại thì chưa có sổ đỏ, nhưng đã được phân nhỏ thành 4 thửa, đứng tên 4 người và được cấp 4 mã số thuế khác nhau. Trên huyện đang làm sổ đỏ, tầm cuối năm nay (quý IV năm 2018 - PV) sẽ chính thức có. Hiện tại, việc mua bán này sẽ có giấy tờ và bên địa chính xác nhận”.

Tuy nhiên, khi người mua vặn hỏi về thời hạn chắc chắn được cấp sổ đỏ, anh Giang thừa nhận: “Nếu mà tôi biết bao giờ có sổ đỏ, tôi đã không bán”.

Những đại gia kín tiếng

Tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) không khó để chúng tôi ghi nhận hoạt động mua bán đất nơi đây, bà H.N.T, một người dân sống lâu năm ở đây cho biết: “Khu vực này toàn những người có tiền về mua đất, xây dựng. Có người bỏ tiền mua đến mấy lô. Ví dụ như nhà chú T. này, có mấy lô đất, nhưng chủ yếu chỉ ở khu nhà nổi dưới kia, còn lại các lô khác rao bán. Có lô đã rao qua tay mấy lượt “cò đất” rồi”.

Các lô đất lần lượt được chuyển giao từ tên người này sang tên người khác. Người này không quên khẳng định một câu:“cứ có tiền thì làm gì chẳng mua được đất, xây được nhà. Hầu hết người về mua đất ở đây là người ở nội thành Hà Nội, với mục đích để nghỉ dưỡng. Họ thường chỉ về vào các ngày cuối tuần”.

Các công trình ven hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) vẫn được thi công bình thường ngay trong giai đoạn thanh tra toàn diện

Qua tìm hiểu, PV Người Đưa Tin được biết, nhân vật T. sở hữu nhiều lô đất ven hồ Đồng Đò chính là thạc sỹ D.V.T., là lãnh đạo của một trường đại học ở Hà Nội.

Trường hợp tương tự, nhà anh H. cũng đang sở hữu ít nhất hai lô đất gần ven hồ Đồng Đò. Một căn nhà bề thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra hồ với kiến trúc hiện đại; một căn nhà khác ngay mép hồ mà mẹ vợ anh H. “lỡ lời” nói là homestay. Liệu có sự xuất hiện nào của homestay trong thời gian tới quanh khu vực ven hồ Đồng Đò?

PV tìm đến nhà anh Nguyễn Khánh, được biết là hộ dân ở đây nhiều đời, nhận thấy gia đình anh đang thi công một công trình ngay mảnh đất trước nhà. Khi PV ngỏ ý muốn mua đất, anh Khánh nói: “Đất này từ thời bố mẹ để lại, bây giờ muốn mua mảnh nào bán mảnh đấy, nhưng chỉ là viết giấy trao tay thôi, không có thủ tục công chứng hay xác nhận gì của ai hết”.

Hầu hết các căn biệt thự, nhà vườn xây dựng khu vực này trở thành nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của các nhân vật "có tiếng có tiền".

Mặc dù đã bị cấm thi công, dọc ven hồ, không biết bao nhiêu công trình vẫn nhịp nhàng đẩy mạnh tiến độ ngay giữa ban ngày, hoàn thành những biệt thự, nhà vườn lộng lẫy, nguy nga trong từng giờ, từng ngày.

Xem thêm clip: Người dân vẫn xây dựng mặc cho có quyết định thanh tra toàn diện

Trao đổi với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) chỉ ra rằng: “Pháp luật có thừa nhận, với những người dân tại chỗ mà hiện nay chưa thể thu xếp được chỗ ở ra ngoài rừng phòng hộ sẽ được tiếp tục sinh sống và thừa nhận diện tích đất ở đó bằng việc cấp sổ đỏ. Cũng cần nói rõ, việc thừa nhận này chỉ đối với những người dân đã ổn định từ xưa và không được mở rộng thêm”.

An Nhiên - Hữu Thắng