Thế giới

Những hy vọng và thất vọng tại hội nghị khí hậu COP27

Tại COP27, quỹ dành cho các nước đang phát triển cuối cùng đã được thông qua, nhưng vấn đề sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ là câu chuyện dài.

Sau nhiều năm bàn qua bàn lại, lần đầu tiên các quốc gia đã đồng ý thành lập một quỹ để cung cấp các khoản thanh toán cho các nước đang phát triển chịu “tổn thất và thiệt hại” do bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng do biến đổi khí hậu gây ra.

Đây được coi là thành công nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh COP27 kéo dài 2 tuần được tổ chức tại thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập bên bờ Biển Đỏ, nhưng có thể sẽ mất vài năm để đưa ra các chi tiết về cách thức hoạt động của quỹ, bao gồm cả cách phân bổ tiền và quốc gia nào đáp ứng điều kiện để nhận giải ngân.

“Ba thập kỷ dài và cuối cùng chúng tôi đã đưa ra công lý về khí hậu”, Bộ trưởng Tài chính Tuvalu, Seve Paeniu, cho biết.

Bà Sherry Rehman, Bộ trưởng Môi trường Pakistan – quốc gia đã phải hứng chịu trận lũ lụt gió mùa tồi tệ nhất từ trước đến nay vào tháng 6 vừa qua – cho biết, việc thành lập quỹ “không phải là phân phát từ thiện”.

“Đây rõ ràng là một khoản ứng trước cho khoản đầu tư dài hạn hơn vào tương lai chung của chúng ta”, bà nói, phát biểu thay mặt cho liên minh các quốc gia nghèo nhất thế giới.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cuối cùng của COP27 đã thu hút sự chỉ trích vì đã không làm nhiều hơn để kiềm chế lượng phát thải gây hại cho khí hậu, đặc biệt là nguồn phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm than, dầu mỏ và khí đốt.

“Chừng nào thế giới còn cần”

Văn bản thỏa thuận kêu gọi nỗ lực giảm dần nhiệt điện than sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 và loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả. Nhưng từ những bài phát biểu khai mạc cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng tại COP27, có thể thấy chắc chắn nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai gần.

Các bộ trưởng đưa ra tuyên bố trong phiên họp toàn thể bế mạc tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 20/11/2022. Ảnh: GMA News

Tổng thống Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 vào năm tới - cho biết, đất nước của ông sẽ tiếp tục cung cấp dầu mỏ và khí đốt “chừng nào thế giới còn cần”.

Một số quốc gia thiếu điện ở châu Phi bảo vệ quyền phát triển trữ lượng khí đốt tự nhiên của họ, ngay cả khi chính đất nước họ phải đối mặt với các tác động khí hậu ngày càng gia tăng như hạn hán.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bày tỏ sự thất vọng. Bà nói: “Thật buồn khi chứng kiến các bước quá hạn về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và loại bỏ dần năng lượng hóa thạch đang bị cản trở bởi một số quốc gia phát thải và sản xuất dầu lớn trên thế giới”.

Và các hội nhóm ủng hộ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch được thành lập vào khoảng thời gian diễn ra COP26 ở Glasgow (Anh) năm ngoái, cũng đã phải vật lộn để tuyển thành viên mới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay phần lớn do xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Tuy nhiên, các thỏa thuận đạt được tại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ COP27 cũng mang lại hy vọng về hành động nhanh hơn, đặc biệt là thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản, và các nhà đầu tư tư nhân để giúp Indonesia chuyển đổi khỏi sản xuất điện than nhanh hơn.

Cú hích cho COP27

Một tiền đề quan trọng cho sự thành công của hội nghị khí hậu COP27 đã xảy ra ở nơi cách khá xa khu vực Biển Đỏ.

Khi COP27 bước sang tuần làm việc thứ hai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp nhau tại Indonesia trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi những người đứng đầu hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đã đồng ý khởi động lại hợp tác về biến đổi khí hậu sau nhiều tháng gián đoạn do căng thẳng về vấn đề eo biển Đài Loan.

Nhà đàm phán khí hậu hàng đầu của Trung Quốc Xie Zhenhua trước đó đã nói với các phóng viên tại COP27 rằng cuộc đối thoại không chính thức giữa ông và ông John Kerry, người đồng cấp Mỹ của ông và là “người bạn thân trong 25 năm”, vẫn tiếp tục.

Ông Xie cho biết vào ngày 19/11 rằng ông hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác trực tiếp về biến đổi khí hậu với ông Kerry sau khi kết thúc COP27.

Một nhà hoạt động giơ biểu ngữ tại hội nghị COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 19/11/2022. Ảnh: The Guardian

Tin vui cho rừng nhiệt đới

Tại COP27, tân Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã được đám đông hò reo ủng hộ khi ông tuyên bố “Brazil đã trở lại” trong cuộc chiến khí hậu toàn cầu và tuyên bố sẽ tổ chức COP30 vào năm 2025 tại khu vực Amazon.

Chuyến đi đến Ai Cập để dự COP27 trở thành chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo cánh tả kể từ khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Brazil hồi tháng 10, đánh bại Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro, người chủ chương gia tăng phá hủy rừng nhiệt đới và từ chối tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm 2019 theo kế hoạch ban đầu cho Brazil.

Brazil cũng đã cùng với Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) khởi động quan hệ đối tác để hợp tác bảo tồn rừng. Hôm 14/11, đại diện của 3 quốc gia – vốn chiếm 52% diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới đã – ký tuyên bố chung tại cuộc thảo luận ở Indonesia trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 và dự kiến sẽ thúc ép các quốc gia giàu có trả tiền cho việc bảo tồn rừng.

Minh Đức (Theo Reuters, Euronews)