Đời sống

Những hoạt động thiết thực triển khai tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022

Sáng 6/4, tại trụ sở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ TW đã có cuộc họp về việc triển khai tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022.

Nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, các cấp, ngành về an toàn vệ sinh lao động

Với mục đích tạo cao điểm về tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác An toàn, vệ sinh lao động; đồng thời đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình bảo đảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, địa phương và an toàn, sức khỏe cho người lao động, cộng đồng.

Cục trưởng Hà Tất Thắng phát biểu tại  cuộc họp

Qua đó, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện lao động, tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở; Vì vậy, tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 được phát động với chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang gặp những khó khăn do dịch bệnh, việc khôi phục, mở cửa bình thường lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở, trong bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động. Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình.

Các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần tiếp tục được rà soát, cải thiện, đặc biệt để tăng tỷ lệ số người được giám định bệnh nghề nghiệp.

Những hoạt động hữu ích, vì lợi ích người lao động

Theo kế hoạch, tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 được tổ chức từ ngày 1/5 đến ngày 31/5 ở tất cả các cấp công đoàn trên cả nước. Đến nay, đã có 8 Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và hơn 40 địa phương xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022. Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ kết hợp với Tháng công nhân tại Trung ương sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vào ngày 28/4/2022

“Trong khuôn khổ Tháng hành động sẽ có đối thoại hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động; hai Hội thảo “Tác động của việc kéo dài thời giờ làm việc tới sức khỏe và an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động” tại phía Bắc và phía Nam" - Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội Hà Tất Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, cũng sẽ có các hoạt động như: Xây dựng và phát hành tài liệu hướng dẫn về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức 02 lớp tập huấn công tác ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn cơ sở, đội ngũ an toàn vệ sinh viên và người lao động tại một số doanh nghiệp (Phía Bắc và phía Nam); nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt về công tác ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; đi thăm, động viên, tặng quà cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động bị nhiễm COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Cục An toàn Lao động, so với năm 2020, tình hình tai nạn lao động năm 2021 giảm ở tất cả các chỉ số, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng, cụ thể: Tai nạn lao động chết người giảm 18,5% số vụ (749 vụ, giảm 170 vụ), giảm 19,63% số người chết (786 người, giảm 180 người); giảm 21,71% số người bị tai nạn lao động nặng (1.485 người, giảm 412 người); Tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 39,7% (175 vụ, giảm 115 vụ), số người chết giảm 39,67% (184 người, giảm 121 người), số người bị thương nặng giảm 7,5% (259 người, giảm 21 người). Đây là năm thứ 3 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.

Hà Anh