Đời sống

Những hạt giống mang về từ vũ trụ giờ phát triển ra sao?

Vào những năm 1970, người ta đã nảy ra ý tưởng mang các hạt giống lên Mặt Trăng rồi quay lại trồng ở Trái Đất. Vậy những hạt giống này giờ ra sao?

Trong suốt hàng thập kỷ, vẫn luôn có những "thực thể ngoài không gian" đang sinh sống bình yên trên Trái Đất. Đó không phải là người ngoài hành tinh. Thứ chúng ta nói đến là những "cây Mặt Trăng", với hạt giống được lấy về từ vũ trụ.

Theo National Geographic, năm 1971, trong chuyến lên không gian thuộc sứ mệnh Apollo 14, nhiều hạt giống đã được mang về cùng tàu vũ trụ.

Khi đó, Ed Cliff, Giám đốc Cơ quan lâm nghiệp Mỹ lúc bấy giờ, đề nghị Stuart Roosa, một trong ba phi hành gia lên tàu Apollo 14, đã mang theo 500 hạt giống, gồm 5 loại cây khác nhau, chủ yếu là cây gỗ sam, cây thông, cây sung và cây gỗ đỏ.

Theo nhà khoa học Stan Krugman từ Cơ quan lâm nghiệp Mỹ, nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu những hạt giống sau khi vào vũ trụ có còn khả năng nảy mầm khi trở về Trái Đất hay không và nếu có, chúng sẽ phát triển thế nào?

Họ đã lựa chọn kỹ lưỡng từng hạt giống tốt nhất và dễ trồng ở nước Mỹ sau đó chia ra làm 2 phần. Một nửa là số hạt đưa vào không gian, còn lại để ở Trái đất để có thể so sánh quá trình phát triển.

Mặc dù những hạt giống không phải có nguồn gốc ở Mặt Trăng, chúng thậm chí chưa từng rời khỏi tàu vũ trụ, nhưng các nhà khoa học vẫn gọi đây là những báu vật quý hiếm. Chúng có tên là "cây Mặt Trăng" sau khi được mang trở lại Trái Đất để trồng.

Gần như ngay lập tức khi trở lại Trái đất, sứ mệnh này đã đối mặt nguy cơ thất bại vì túi hạt giống bị tiếp xúc với chân không, đã vỡ ra trong quá trình khử nhiễm. Không ai biết rằng liệu những "hạt giống Mặt Trăng" có thể sống sót hay không?

Nhà di truyền học Stan Krugman, người phụ trách dự án, đã tách chúng ra bằng tay và gửi đến các phòng thí nghiệm của Cục Lâm nghiệp để ươm mầm. Thật may mắn, nhiều hạt đã nảy mầm thành công và phát triển thành cây con.

Cây mặt trăng ở Fort Smith, Arkansas. Ảnh: WIKIMEDIA

Tuy nhiên tới nay, khi đã gần 50 năm sau sứ mệnh Apollo 14, các nhà khoa học vẫn không phát hiện được nhiều sự khác biệt rõ ràng giữa các giống cây so với cùng chủng loại trên Trái Đất.

"Cây Mặt Trăng" được trồng ở Công viên Washington Square năm 1975. Ảnh: NASA

Chúng đều được ghi chú bằng một tấm bảng, gọi là "cây Mặt Trăng", và được trồng rải rác trên khắp nước Mỹ như Quảng trường Washington ở Philadelphia, trường tiểu học Lowell ở Idaho… từ những năm cuối thập niên 1970.

Một số cây dùng để làm quà ngoại giao của Mỹ với các quốc gia thân cận, trong đó có cây được tặng cho Nhật hoàng Hirohito. Thậm chí có cây còn được trồng trước Nhà Trắng dưới thời của Tổng thống Gerald Ford. Khi đó, Ford gọi những chiếc cây này là "biểu tượng sống của loài người với các thành tựu khoa học".

Minh Hoa (t/h)