Đa chiều

Những đứa trẻ phun lửa

Không hiểu sao, những đứa trẻ phun lửa xuất hiện ngày càng dày đặc trên khắp đường phố, nhất là những buổi tối nơi các quán ăn sầm uất.

Tôi dành hai đêm cuối tuần lang thang khắp thành phố chỉ để hỏi bao giờ những đứa trẻ thôi không còn phun lửa. Những đứa trẻ ngậm xăng vào họng phun vào một cây mồi lửa và ngọn lửa bùng cháy lên rực rỡ, rồi lại đưa cây mồi lửa vào họng, ngậm lại cho lửa tắt. Xong màn trình diễn là lại bê lon đi đến từng bàn ăn xin tiền. Người cho, người lắc đầu. Số tiền kiếm được về đâu? Phận đời những đứa trẻ sẽ ra sao? Và bao nhiêu người nhìn thấy phía đối diện bên kia đường là vài người lớn trên chiếc xe đang âm thầm dõi theo? Mấy ai biết đó là bọn chăn dắt trẻ em. Quá nhiều câu hỏi mênh mông suốt chiều dài đoạn đường đêm hôm ấy.

Cũng khá lạ lùng khi biết rằng, theo Luật Trẻ em 2016, Việt Nam chúng ta có tổng cộng 18 cơ quan bảo vệ, chăm sóc và thực thi những vấn đề chính sách, pháp luật cho trẻ em

Phong, anh chàng trẻ tôi chẳng quen biết, chỉ tương tác trên mạng xã hội. Anh chàng hay lang thang cùng những phần ăn đêm nóng hổi cho người nghèo vô gia cư lấy vỉa hè làm nơi tá túc. Tôi theo dõi Phong từ những ngày Sài Gòn gồng mình chống dịch. Cho đến bây giờ, khi nhìn những clip Phong đăng trên mạng, tôi không khỏi bần thần. Những phần bánh và sữa Phong mua rồi cùng con đến gởi tặng mấy đứa trẻ phun lửa liệu sẽ giúp được gì cho những đứa trẻ vốn dĩ bị bọn chăn dắt đày ải phải kiếm tiền bằng trò nguy hiểm này? Phong kêu gọi mọi người hãy làm gì đó để những đứa trẻ phun lửa được đến trường như bao bạn bè khác, được ăn no, được yêu thương như vốn dĩ người ta phải chăm nom những búp non trên cành.

Một đứa trẻ phun lửa mưu sinh trên đường phố. Ảnh: Ngọc Sơn

Từ góc ngã tư Bình Thái, xa lộ Hà Nội với hai đứa bé gái và một đứa bé trai phun lửa mỗi buổi chiều, cho đến sự tranh cãi gay gắt trên mạng bởi nếu càng lên tiếng, cuộc sống của bọn trẻ phun lửa càng đói khát. Nhiều người bảo sẽ chẳng làm được gì đâu, phản ánh thế thôi rồi một thời gian, khắp Sài Gòn lại nhan nhản những đứa trẻ chấp nhận hiểm nguy để mưu sinh. Không có tiền sẽ bị bọn chăn dắt bỏ đói, đánh và thậm chí không còn nơi nương tựa.

Thành phố rộng lớn mà những đứa trẻ thì vẫn ngổn ngang. Tôi đi lang thang ngay trong đêm, từ cung đường ăn nhậu Nguyễn Tri Phương đến Thành Thái của quận 10, là hơn một chục nhóm trẻ phun lửa. Qua khu bán Vĩnh Khánh của quận 4 với hai bên đường là hàng chục quán ốc, đếm sơ sơ cũng được 8 nhóm trẻ đi phun lửa dạo. Đoạn đường Phạm Văn Đồng nối liền từ sân bay ra đến Thủ Đức đi qua nhiều quận như Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh và chốt cuối là thành phố trong thành phố, hơn một tiếng đồng hồ, tôi chẳng thể nhớ hết con số những đứa trẻ phun lửa vì quá nhiều, đến mức tôi tấp xe vào một quán nước ven đường và nhìn đêm trĩu nặng.

Chúng ta sẽ làm gì khi gặp những đứa trẻ phun lửa? Cho tiền để đảm bảo ít ra các em còn được bọn chăn dắt nuôi ăn ở, hay sẽ như Phong cho bánh để nhận lại lời cám ơn rất ngoan ngoãn của đám trẻ, nhưng biết chắc đêm nay về không đủ tiền thì thứ mà đám trẻ no sẽ là đòn roi. Làm sao để thành phố này không còn những đứa trẻ phong lửa, bán sức khỏe mình cho những trục lợi đê hèn của đám chăn dắt ác ôn? Câu hỏi này thiết nghĩ phải là sự chung tay không những từ xã hội mà những cơ quan liên quan đến trẻ em. Cần một giải pháp mạnh mẽ để những đứa trẻ không gặp nguy hiểm và không bị tổn hại tinh thần lẫn thể xác.