Thế giới

Những đứa trẻ đang mưu sinh ở "lục địa đen"

Sự gia tăng dân số, các cuộc khủng hoảng tái diễn, nghèo đói cùng cực và thiếu các biện pháp bảo trợ xã hội đã làm tăng thêm lao động trẻ em khu vực cận Sahara.

Thủ đô Yaounde của Cameroon có rất nhiều người bán hàng rong còn đang ở độ tuổi còn nhỏ. Hầu hết đó là trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 14, chúng chiếm giữ tại các ngã tư lớn hay các khu chợ và thường hoạt động đến tận khuya.

Kevin và Lea là hai trong số những trẻ em bán hàng rong tại các khu dân cư đông dân của thủ đô Yaounde vào thời gian được nghỉ học.

"Em bán nước để giúp bố mẹ trả tiền mua vở bài tập cho năm học mới", Kevin, 8 tuổi, chia sẻ với hãng tin DW; "Còn em bán đậu phộng để có tiền chi trả cho đồ dùng học tập của mình", Lea, 10 tuổi, cho biết thêm.

Ông Chantal Zanga, hiệu trưởng của một trường tại khu vực này, bày tỏ lo ngại: “Tôi phản đối việc trẻ em buôn bán trên đường phố. Đứa trẻ có quyền được bảo vệ. Nếu chúng ta đưa chúng ra đường, ai sẽ bảo vệ chúng?"

Trẻ em thiếu sự bảo vệ

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), sự gia tăng dân số, các cuộc khủng hoảng tái diễn, nghèo đói cùng cực và các biện pháp bảo trợ xã hội không đầy đủ đã dẫn tới gia tăng thêm 17 triệu trẻ em nữ và trẻ em nam tham gia lao động trẻ em ở khu vực cận Sahara tại châu Phi trong vòng 4 năm qua.

Các quốc gia châu Phi là nơi sinh sống của phần lớn trong số 160 triệu trẻ em lao động trên thế giới. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính rằng hơn 72 triệu trẻ em ở châu Phi cận Sahara bị ảnh hưởng bởi lao động trẻ em. Các chuyên gia cũng cho rằng hàng triệu trẻ em khác đang gặp rủi ro do đại dịch Covid-19.

Theo UNICEF, điều này đánh dấu lần đầu tiên sau 20 năm tiến độ chấm dứt lao động trẻ em bị đình trệ. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia và các nhà hoạt động vì quyền lợi trẻ em đang cùng tham gia thảo luận Hội nghị Thế giới lần thứ 5 về Xóa bỏ Lao động Trẻ em tại thành phố Durban, Nam Phi, từ ngày 15 - 20/5, nhằm tìm ra các biện pháp bảo vệ trẻ em chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Nhiều trẻ em đã dành phần lớn thời thơ ấu của mình để làm việc, mất đi thời gian quý giá ở trường. Ảnh: DW.

Nguy hiểm mà các em phải đối mặt

Trẻ em bán hàng rong hàng ngày trên đường phố phải đối mặt với những nguy hiểm từ giao thông, thời tiết và bạo lực tình dục. Em Juliette Lemana, nữ 12 tuổi, bán trái cây như mận và chuối sấy trên đường phố ở thủ đô Yaounde, Cameroon chia sẻ: "Mẹ đã cử em đi bán". Em nói thêm rằng gần đây một chiếc xe máy đã va quệt qua người bạn cùng lớp của em, "Đôi khi chúng em trở về nhà vào ban đêm và chúng em không thể tìm thấy đường đi".

Theo bà Pauline Biyong, Chủ tịch Liên đoàn Giáo dục Phụ nữ và Trẻ em Cameroon, luật pháp của quốc gia này nghiêm cấm lao động trẻ em. Bà nói: “Cameroon đã phê chuẩn nhiều điều khoản để bảo vệ trẻ em. Hiện tượng này đáng ra là không đáng có, nhưng thật không may là chúng tôi vẫn phải chứng kiến tại các thành phố của mình trẻ em bị cha mẹ sử dụng như lao động. Điều này không bình thường".

Nghèo đói là nguyên nhân hàng đầu của lao động trẻ em

Khó khăn về kinh tế đã khiến nhiều trẻ em phải làm việc vất vả trong các mỏ vàng Tanzania (đất nước ở bờ biển phía đông châu Phi) và các nước láng giềng Congo. Những trẻ em khác ở các quốc gia như Nam Sudan còn phải đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng khi trở thành những người lính trẻ.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính có 2,1 triệu trẻ em làm việc trong lĩnh vực sản xuất ca cao ở Bờ Biển Ngà và Ghana (quốc gia tại Tây Phi). Khoảng 2/3 lượng cacao được sản xuất trên toàn thế giới là đến từ Châu Phi.

Tập đoàn chế biến thực phẩm và đồ uống đa quốc gia đến từ Thụy Sĩ Nestle đã xây dựng lớp học cho trẻ em tại những vùng canh tác cacao. Ngoài ra, tập đoàn Thụy Sĩ đã hợp tác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) để hỗ trợ khả năng biết chữ cho phụ nữ tại các thị trườngBất chấp những nỗ lực đó, trẻ em vẫn làm việc tại một số đồn điền cacao. Giám đốc Toussaint Luc N'Guessan của Nestle chia sẻ: "Vấn đề lao động trẻ em là có thật".

Trên đường phố Maiduguri ở bang Borno của Nigeria, nhiều trẻ em làm việc là do theo yêu cầu của cha mẹ. "Cha đã đưa em đến đây để học cắt may. Đôi khi, em kiếm được 150 nairas (0,36 USD hay 0,35 Euro)", một cậu bé nói với hãng tin DW. Ông Adamu Umar, người có 15 người con, thừa nhận rằng ông cũng bắt các con đi bán hàng rong để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Theo ILO, 43% trẻ em Nigeria trong độ tuổi từ 5 đến 11 là lao động trẻ em, mặc dù các công ước quốc tế cấm điều này.

Ngày càng có nhiều trẻ em làm việc trong các đồn điền ca cao ở Tây Phi. Ảnh: DW.

Ông Abebe Haile-Gabriel, Giám đốc phụ trách Chương trình khu vực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ở châu Phi, cho biết trong bài phát biểu khai mạc hội nghị do FAO tổ chức hồi tháng 9/2021: “Chúng ta không cần lao động trẻ em trong nông nghiệp để không còn nạn đói, chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ”.

Ông lưu ý rằng “Biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và nghèo đói tiếp tục đặt ra những thách thức đối với sinh kế tại nông thôn, nơi lao động trẻ em thường được sử dụng như giải pháp để ứng phó một cách tiêu cực”. Ông kêu gọi sự lãnh đạo cao hơn từ các bên liên quan đến nông nghiệp trên khắp châu Phi để đẩy nhanh hành động.

Bà Cynthia Samuel-Olonjuwon, Trợ lý Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Không có lời biện minh nào cho việc hàng triệu trẻ em châu Phi phải lao động. Việc con số này có thể tăng lên do Covid-19 là điều không thể chấp nhận được"; "Lao động trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết liệt".

Hình phạt cho lao động trẻ em

Là một phần trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, tất cả 193 quốc gia thành viên đã cam kết thực hiện hành động hiệu quả để xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt nô lệ hiện đại và buôn bán người, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất bao gồm cả binh lính trẻ em vào năm 2025. 

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn trẻ vị thành niên tham gia lao động là rất ít, theo tổ chức quyền trẻ em Plan International.

Bà Lucy Yunana, một nhà hoạt động vì quyền trẻ em ở Nigeria, nhận định: “Trách nhiệm của chúng ta là cha mẹ phải chăm sóc con cái chứ không phải con cái chăm sóc chúng ta”. Bà kêu gọi chính phủ mạnh tay với những hành vi này bằng hình phạt nghiêm khắc.

Bà Yunana cho biết bất kỳ đứa trẻ nào bị bắt quả tang bán rong hoặc ăn xin đều nên bị bắt, kể cả cha mẹ cho phép con gái họ làm như thế để phụ giúp cho gia đình. Cha mẹ sau đó cũng sẽ phải trả tiền phạt.

Trở lại đất nước Cameroon, một chương trình lớn mang tên "kỳ nghỉ hữu ích" đã được phát động tại Trung tâm vì sự tiến bộ của phụ nữ và gia đình ở Nkoldongo để khiến trẻ em trở nên bận rộn. Tuy nhiên với sự khuyến khích không nhiều, một số bậc cha mẹ vẫn muốn con cái họ đi làm để tăng thu nhập cho gia đình.

"Những đứa trẻ phải tìm cách kiếm ra thu nhập, điều đó không xấu", bà Gisele, người bán quả tại chợ Ekounou, chia sẻ với hãng tin DW. Bà nói thêm: "Bọn trẻ không có việc gì để làm trong suốt kỳ nghỉ. Việc bọn trẻ giúp chúng tôi chuẩn bị cho ngày khai giảng, ít nhất là bằng cách mua được tập vở là điều bình thường".

Phạm Hà Thanh (theo DW, Relief Web)