Dân sinh

Những đứa con người Mông của các chiến sĩ mang quân hàm xanh

Không quản ngại khó khăn những người lính biên thùy đã nhận trọng trách nuôi dưỡng, chăm sóc và uốn nắn những đứa trẻ vùng cao.

Gia đình mới, cuộc sống mới

Từ nhiều năm nay, bên cạnh sứ mệnh canh giữ cho sự bình yên nơi địa đầu Tổ quốc, những chiến sĩ mang quân hàm xanh tại đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai) còn kiêm luôn nhiệm vụ “đỡ đầu” cho những đứa trẻ vùng biên có hoàn cảnh khó khăn, nâng bước đến trường.

Các chiến sĩ luôn sát sao với chuyện học hành của những đứa “con nuôi”.

Chia sẻ về mô hình ý nghĩa này, Thiếu tá Tẩn Sành Nhàn (Chính trị viên phó đồn Biên phòng Tả Gia Khâu) cho biết: ““Từ nhiều năm trước đây, đồn đã có nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ số học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, nhưng từ năm 2016, chúng tôi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình Con nuôi đồn biên phòng và Nâng bước em đến trường. Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đã phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà trường rà soát lựa chọn “đỡ đầu”, đưa hai học sinh về đơn vị để nuôi ăn ở và giáo dục.

Hiện tại, hai con nuôi tại đồn gồm có: Ma Seo Khoa (học sinh lớp 8) và Lý Liu Cường (học sinh lớp 6). Cả hai đều là đồng bào dân tộc Mông, hiện đang học tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Gia Khâu.

Các con là đồng bào dân tộc thiểu số, lại còn nhỏ, nên trình độ nhận thức còn những trở ngại nhất định. Khi mới đưa các con về đồn để nuôi dưỡng, cũng gặp không ít khó khăn. Hồi đầu về đây, các con còn buồn và nhớ nhà, chỉ nói chuyện với các chiến sĩ người Mông, còn với các chú thuộc dân tộc khác thì dường như các con chẳng chịu mở miệng nói chuyện. Chúng tôi phải làm công tác tư tưởng mãi, các con mới chịu mở lòng và coi các chú như người thân trong nhà”.

Những đứa trẻ vốn đang sống theo bản năng khi ở nhà, hoàn cảnh khó khăn, lại ít được quan tâm chuyện học hành như Khoa và Cường không phải là hiếm ở các xã, huyện vùng biên, nên người ta thường ví như những nhành cỏ dại. Ở nhà, những đứa trẻ ấy thường tự ăn, tự chơi, chẳng mấy khi sinh hoạt theo giờ giấc, nên khi mới vào đồn, cũng có sự bỡ ngỡ nhất định.

Các cán bộ, chiến sĩ phải mất khá nhiều thời gian động viên, chia sẻ và hướng dẫn, mới có thể giúp những đứa trẻ ấy dần hình thành nền nếp theo tác phong trong quân đội. Từ những đứa trẻ chưa biết nền nếp, Khoa và Cường đã dần học được tính tự lập, chủ động mọi sinh hoạt cá nhân theo giờ giấc khoa học.

“Sau một quãng thời gian làm quen với môi trường ở đồn biên phòng, các con đã quen dần với giờ giấc sinh hoạt của các chú. Sau những giờ học, các con thường phụ các chú xuống bếp nhặt rau, xuống vườn bắt sâu nhặt cỏ cho rau, làm vệ sinh đơn vị... Vừa lao động rèn luyện thể chất, vừa là bài học kỹ năng sống trang bị cho hành trang của các con sau này, có thể tự lo cho bản thân”, Thiếu tá Tẩn Sành Nhàn lý giải.

Thiếu tá Tẩn Sành Nhàn cho biết, hiện tại, các “con nuôi” đã quen dần với nền nếp sinh hoạt trong môi trường tại đồn biên phòng.

Vị Chính trị viên phó cũng chia sẻ thêm: “Thời điểm mới nhận các con về, hằng ngày, đơn vị đều cử các chiến sĩ buổi sáng đưa các con đi học, chiều đón về. Giờ các con lớn hơn rồi thì đơn vị tập cho các con đi xe đạp để các con có thể tự tới trường, để làm quen với môi trường xã hội.

Tuy nhiên, quá trình đi xe đạp đến trường vẫn được chúng tôi thường xuyên kèm cặp để đảm bảo cả hai tuân thủ an toàn giao thông và an toàn cho chính bản thân”.
Vốn dĩ, cả hai đứa trẻ ấy đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cuộc sống ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thậm chí, việc học tập cũng trở nên thật gian nan… Nhưng từ sau khi trở thành con nuôi đồn biên phòng, cả hai đã bước vào một cánh cửa mới với tương lai tươi sáng.

Cậu bé Ma Seo Khoa sau những phút ngập ngừng cũng thoải mái chia sẻ: “Con vui lắm! Hồi xưa ở nhà, không mấy khi được ăn cơm với thịt. Từ ngày về đây, chúng con bữa nào cũng được ăn ngon. Các chú còn dạy rất nhiều điều, dù có lúc con chưa ngoan. Mỗi dịp Tết đến, chúng con được nhận nhiều quà mới, được nhận bánh chưng và đón Tết cùng các chú, còn có cả lì xì nữa... Các chú nói, ở đây với các chú, hay cứ coi các chú là người thân trong gia đình”.

Vì đã lớn hơn, nên Khoa và Cường đã có thể tự đi học bằng xe đạp.

Kỷ niệm những ngày đầu uốn nắn

Trực tiếp kèm cặp việc học tập hàng ngày cho Khoa và Cường, Trung úy Lù A Vềnh (đồn Biên phòng Tả Gia Khâu) chia sẻ: “Buổi tối, tôi thường xuyên kèm các con học tập, cái gì các con chưa hiểu thì mình giúp đỡ để các con hiểu hơn. Trẻ con nhiều lúc cũng còn ham chơi, nên có người lớn ở bên cạnh, dù sao cũng sát sao hơn.

Với các con ở bên ngoài vào môi trường quân đội sẽ khác ở nhà, lúc mới vào, các con cũng nhớ bố mẹ, có lúc còn tủi thân, ngồi buồn rồi khóc một mình. Chúng tôi cũng như những người anh, người chú trong nhà, nên cố gắng động viên, an ủi và tạo niềm vui cho các con, đồng thời, có gì mà các con chưa hiểu thì tận tình hướng dẫn để các con nắm bắt được”.

“Hồi trước, cũng có những lúc, các con ham chơi, đến giờ đi ngủ rồi nhưng không chịu đi ngủ. Thế là hai bạn ấy rủ nhau mắc sẵn màn lên, xếp chăn lên giả vờ đã đi ngủ, sau đó, trốn ra sau bếp để lấy dao chặt củi, làm cù quay để chơi.

Lúc cán bộ đi kiểm tra phòng xem các con đã ngủ chưa, hay có ốm đau gì không, thì phát hiện ra, nên phải huy động cán bộ chiến sĩ đi tìm.

Sau khi được nhắc nhở, các con cũng hiểu được đó là chuyện không nên làm và lại ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, nên các con đã xin lỗi và hứa sẽ không trốn ngủ và nói dối nữa”, Trung úy Lù A Vềnh nhớ lại.

Sau những lần chỉ bảo của các chú, Khoa đã hiểu chuyện hơn rất nhiều.

Còn với Thiếu tá Tẩn Sành Nhàn, kỷ niệm với cậu bé tên Khoa từ cách đây vài năm như vẫn còn rất mới: “Ở trên này rất nhiều núi đá, ao tù, khe sâu nguy hiểm, trên đồi thì lại có rắn, rết, ong, rất nguy hiểm, nên khi các con vừa mới về đồn, chúng tôi đã dặn dò tuyệt đối không được đi những nơi đó, và muốn đi đâu phải có sự cho phép của các chú.

Thế nhưng, tôi còn nhớ, đó là vào khoảng cuối năm 2019, lúc Khoa đang học lớp 6, sau một giờ học buổi sáng trên trường, cậu bé được nghỉ, nhưng lại không về đồn. Lúc đơn vị cử người đi đón, chờ mãi, đến khi học sinh trong trường về hết rồi mà vẫn không thấy đâu, thì mới phát hiện ra. Đồng chí đó gọi về đồn báo tin, khi hỏi gia đình, gia đình cũng bảo Khoa không về nhà, cả đơn vị cử người phối hợp với nhà trường đi tìm, ai nấy đều hoang mang, thấp thỏm lo không biết có chuyện gì xảy ra không.

Mọi người chia nhau đi các ngả, vừa đi vừa hỏi thăm, mới có người chỉ cho nơi mà học sinh thường rủ nhau đến chơi. Đến khoảng 6h tối mới tìm thấy. Hóa ra, sau khi giờ học buổi sáng kết thúc, biết được nghỉ buổi chiều, Khoa đã cùng với một số bạn khác rủ nhau đi lên ao Tiên để bắt cá, mà không báo với ai một lời nào.

Nhìn cả người cháu lấm lem bùn, các chú ai cũng giận. Sau đó, đơn vị trực tiếp trao đổi cùng gia đình để có biện pháp phối hợp cùng giáo dục nghiêm khắc, để không còn tái phạm”.

Chính sự kiên nhẫn chỉ dạy của các chiến sĩ mang quân hàm xanh đã khiến những cậu bé vốn quen với lối sống tự do có thể hiểu chuyện hơn, biết đâu là đúng, đâu là sai, và chăm chỉ học hành mỗi ngày.

Cậu bé Cường không chỉ yêu mến các chú bộ đội, mà còn ấp ủ những ước mơ xanh: “Từ ngày được về đơn vị ở với các chú, con vui lắm. Được các chú luôn ân cần chỉ bảo để giúp chúng con có cuộc sống tốt hơn mỗi ngày, con cũng mong mình có thể lớn thật nhanh và sau này có thể tiếp bước các chú, trở thành những người lính đầy tự hào như vậy”.

Tuệ Nhi