Góc nhìn luật gia

Những điều phụ nữ cần biết trước khi quyết định ly hôn

Ly hôn là chuyện ngoài mong muốn, không ai muốn nghĩ đến càng không hề mong muốn nó sẽ xảy ra. Nhưng khi chuyện đó xảy ra, rất nhiều người không thể cảm thấy nhẹ nhõm, họ nặng nề, khủng hoảng vì phải đối diện với khoảng trống về mọi mặt sau khi ly hôn.

Tuy nhiên, một khi đã quyết định ly hôn thì có 5 điều sau đây người phụ nữ nào cũng nên biết.

Những điều phụ nữ cần biết trước khi quyết định ly hôn. (Ảnh minh họa)

Người vợ đang mang thai có quyền yêu cầu ly hôn

Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong quan hệ hôn nhân, vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án được ly hôn.

Đáng lưu ý là người chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi cho dù đứa bé không phải con của người chồng.

Ngược lại, nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người vợ có quyền được yêu cầu Tòa án cho ly hôn.

Đã ly hôn thì phải đăng ký kết hôn lại

Quan hệ hôn nhân bị chấm dứt tại thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nếu hai người đã ly hôn, muốn được pháp luật công nhận lại quan hệ hôn nhân thì phải đăng ký kết hôn lại (Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Người vợ có thể không được nuôi con

Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người vợ có thể không được nuôi con trong 2 trường hợp.

Thứ nhất, con từ đủ 7 tuổi không muốn ở với mẹ.

Thứ 2, người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Ngoài ra, người nào không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Nguyên tắc khi chia tài sản sau ly hôn

Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn có thể được chia đôi nếu căn cứ vào các điều kiện sau:

- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.

- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.

- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, với người vợ chỉ làm nội trợ trong gia đình thì vẫn được tính là lao động tạo ra thu nhập, tương đương với thu nhập của chồng đi làm.

Ngoài ra, nếu trong thời gian hôn nhân, chứng minh được chồng ngoại tình, bạo lực gia đình… dẫn đến ly hôn thì cũng sẽ là căn cứ để chia tài sản khi ly hôn.

Khi ly hôn, vợ có thể phải cấp dưỡng cho chồng

Điều 115 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn.

Theo đó, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng.

Hoàng Mai