Thế giới

Những điều ít biết về ông Mario Draghi – “Vị cứu tinh của Eurozone”

Thủ tướng Italy Mario Draghi, từng được ca ngợi là "Super Mario", là lãnh đạo thứ 2 trong G7 phải rời nhiệm sở sớm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Trong giai đoạn dẫn dắt Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) 10 năm trước, ông Mario Draghi chính là người đã cứu khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khỏi nguy cơ tan rã, và từng được ca ngợi là "Super Mario".

Với tư cách Thủ tướng Italy, ông đã lãnh đạo đất nước trải qua một thời kỳ thống nhất đáng chú ý, trước khi bị các đồng minh quay lưng.

Những tháng ngày ổn định ở Italy đã qua

Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella hôm 21/7, sau khi liên minh đoàn kết dân tộc vốn ủng hộ chính phủ của ông tan rã, khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và ảnh hưởng đến thị trường tài chính.

Văn phòng Tổng thống Mattarella cho biết trong một tuyên bố rằng, nguyên thủ quốc gia đã "lưu ý" về đơn từ chức và yêu cầu ông Draghi tiếp tục giữ vai trò Thủ tướng tạm quyền.

Tuyên bố không cho biết ông Mattarella sẽ làm gì tiếp theo. Các nguồn tin chính trị hồi đầu tuần cho biết, nhiều khả năng ông sẽ giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 10.

Thủ tướng Italy Mario Draghi chiến thắng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện ngày 20/7/2022, nhưng đó là một chiến thắng trống rỗng, sau khi ông bị 3 đồng minh quan trọng trong liên minh của mình tẩy chay. Ảnh: Al Jazeera

Tổng thống Mattarella có kế hoạch gặp gỡ chủ tịch của cả 2 viện của quốc hội vào chiều ngày 21/7.

Liên minh cầm quyền Italy đã sụp đổ hôm 20/7 khi 3 đảng lớn trong liên minh là Phong trào 5 sao (M5S), Liên đoàn và Forza Italy đều từ chối tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà ông Draghi đã kêu gọi tổ chức để cố gắng chấm dứt sự chia rẽ và làm mới liên minh.

Cuộc khủng hoảng chính trị đã kết thúc những tháng ngày ổn định ở Ý.

Ông Draghi là lãnh đạo thứ 2 trong G7 phải rời nhiệm sở sớm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự. Người buộc phải nói lời từ chức đầu tiên là Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Thủ tướng chưa bao giờ được bầu trực tiếp

Ông Mario Draghi, một nhà kỹ trị, chưa bao giờ được bầu trực tiếp nhưng đã giành được sự ủng hộ của hầu hết các đảng phái chính trị khi ông nhậm chức vào tháng 2/2021 và nâng tầm Italy trên trường quốc tế với tư cách là một nhà lãnh đạo được kính trọng trong Liên minh châu Âu (EU) và G7.

Ông được giao nhiệm vụ lãnh đạo đất nước vượt qua đại dịch Covid-19 và hậu quả của cuộc suy thoái ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu. Đó cũng là thời kỳ Italy được trao một phần lớn trong gói phục hồi chưa từng có của EU trị giá hàng tỷ Euro để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhận được sự yêu mến và tin tưởng của Brussels và thị trường tài chính, ông Draghi được coi là sự lựa chọn tốt nhất để vực dậy một nền kinh tế trì trệ, bị cản trở bởi sự kém hiệu quả của cơ cấu và bộ máy quan liêu, bằng cách tiến hành các cải cách cơ cấu bị trì hoãn từ lâu do đấu đá nội bộ và sức ì.

Nhưng với các cuộc bầu cử được lên kế hoạch vào năm tới, các đảng trong liên minh của ông ngày càng trở nên bất đồng, và những lời cảnh báo nghiêm khắc của ông Draghi về việc dừng các trò chơi chính trị đã không được lắng nghe.

Ông Draghi đã nộp đơn từ chức cho Tổng thống Mattarella vào sáng ngày 21/7.

Ông Mario Draghi (phải) gặp Tổng thống Italy Sergio Mattarella ở Điện Quirinal, Rome, Italy, ngày 3/2/2021. Ảnh: Daily Sabah

Bóng rổ và sự nghiệp ngân hàng

Sinh ra tại Rome vào ngày 3/9/1947 trong một gia đình khá giả, Mario Draghi mồ côi cả cha lẫn mẹ ở tuổi thiếu niên. Là anh cả trong gia đình, ông còn 2 nguời em phải chăm sóc.

Khi còn trẻ, ông không bao giờ là một kẻ nổi loạn, ngay cả khi ông đồng cảm với phong trào biểu tình năm 1968. “Tóc của tôi khá dài, nhưng không dài lắm”, ông nói với tạp chí Đức Die Zeit vào năm 2015.

Ông được học tại một trường trung học ưu tú do Dòng Tên điều hành, nơi ông đã chứng tỏ sự xuất sắc của mình trong các môn toán, tiếng Latinh và bóng rổ.

Về đời tư, ông kết hôn và có 2 người con. Ông là một tín đồ Công giáo.

Năm 1970, ông Draghi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, với luận văn cho rằng một đồng tiền chung "là một điều điên rồ, một điều hoàn toàn không nên làm" - một quan điểm sau này đã phát triển theo hướng ngược lại, khi ông trở thành một trong những người ủng hộ mạnh nhất của đồng tiền chung châu Âu là Euro.

Ông lấy bằng Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh tiếng của Mỹ và giảng dạy kinh tế tại một số trường đại học ở Italy.

Sau 6 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) từ 1984 đến 1990, ông đã lãnh đạo cục ngân khố thuộc Bộ Kinh tế Italy trong một thập kỷ, làm việc dưới 9 chính phủ khác nhau.

Từ vị trí đó, ông Draghi đã lập kế hoạch cho các cuộc tư nhân hóa quy mô lớn và đóng góp vào nỗ lực cắt giảm thâm hụt giúp Italy đủ điều kiện tham gia Eurozone.

Không có “thỏa hiệp khập khiễng”

Năm 2002, ông Draghi gia nhập ban quản trị của Goldman Sachs, trước khi được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Italy 3 năm sau vụ bê bối liên quan đến sếp cũ của ngân hàng này là Antonio Fazio.

Ông được bổ nhiệm đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng 11/2011 khi tình trạng gần như phá sản ở Italy có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ Eurozone.

Một năm sau, ông Draghi đã làm nên lịch sử với tuyên bố sẽ "làm bất cứ điều gì cần thiết" để cứu khu vực đồng tiền chung Euro.

Ông Mario Draghi phát biểu trước các phương tiện truyền thông, ngày 12/2/2021, sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Italy. Ảnh: TRT World

Ông được ghi nhận là người đã cứu đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, cuộc giải cứu đó chỉ đến với sự trợ giúp từ việc bơm tiền mặt khổng lồ và lãi suất thấp trong lịch sử - khiến ông phải hứng cơn thịnh nộ từ những người phe bảo thủ, đặc biệt là ở Đức.

Những người từng chứng kiến "Super Mario" tại ECB nói rằng ông là một nhà đàm phán khéo léo với những chiếc ăng-ten chính trị sắc bén và sẵn sàng đóng vai “ác” để thay đổi các quyết định có lợi cho mình, một cựu trợ lý nói với AFP.

Ông Draghi là người không chấp nhận "những thỏa hiệp khập khiễng" vì mục đích duy trì sự đồng thuận, vị cựu trợ lý này cho biết.

Sau khi rời ECB vào năm 2019, ông Draghi đã sa sút phong độ và dành phần lớn thời gian phong tỏa do đại dịch Covid-19 ở Italy bên trong ngôi nhà của mình ở Umbria.

Ông được Tổng thống Mattarella triệu tập để dẫn dắt Italy, sau khi chính phủ tiền nhiệm của ông Giuseppe Conte sụp đổ vào tháng 1/2021.

Ông Draghi từng được cho là sẽ kế nhiệm ông Mattarella trong cuộc bầu cử Tổng thống tại quốc hội vào đầu năm nay, nhưng cuối cùng ông Mattarella đã được yêu cầu làm tiếp nhiệm kỳ thứ hai sau khi các nhà lập pháp không thống nhất được bất kỳ ai khác cho vị trí này.

Minh Đức (Theo AFP/NDTV)