Văn hoá

Những điều chưa biết về lễ hội Mừng lúa mới của người Xê Đăng

Lễ hội Mừng lúa mới của người Xê Đăng không chỉ góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn tạo nguồn cảm hứng gắn kết cộng đồng các dân tộc.

Lễ hội đặc biệt trong ngày đầu năm mới

Tìm về buôn Kon Hring, xã Ea H’đing, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk vào ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp được hòa mình vào không khí rộn ràng, tưng bừng tại lễ hội Mừng lúa mới của bà con dân tộc Xê Đăng.

Nói về lễ hội đặc biệt của dân tộc mình, ông Vi Von, Buôn trưởng buôn Kon Hring cho biết, trước đây, người Xê Đăng ở Kon Hring cư trú ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên, do chiến tranh loạn lạc nên năm 1972 một số người Xê Đăng di cư đến xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk sinh sống.

Toàn cảnh lễ hội Mừng lúa mới.

Sau một thời gian đặt chân đến vùng đất mới, năm 1988, người dân Xê Đăng đã tìm đến vùng đất màu mỡ Kon Hring để lập buôn mới, cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xây dựng, phát triển cuộc sống.

Dù cuộc sống bộn bề những lo toan nhưng người dân Xê Đăng tại buôn Kon Hring vẫn không quên gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong đó phải kể đến lễ hội Mừng lúa mới.

Theo đó, cứ vào ngày mùng 1 tháng 1 (Dương lịch) hàng năm, mọi người dân trong buôn lại nô nức tổ chức lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc mình. Qua đó, phản ánh đậm nét phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc người Xê Đăng.

Ông Vi Von cho biết, trước đây, lễ Mừng lúa mới của người Xê Đăng chỉ tổ chức trong từng gia đình nhỏ, các gia đình mời nhau, từ nhà này sang nhà khác, tổ chức kéo dài từ tháng 10 cho đến tháng 12.

Tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay, Mừng lúa mới đã trở thành lễ hội lớn, tổ chức chung trong cả cộng đồng và chỉ tổ chức trong một ngày.

Người dân trong buôn nổi lửa chuẩn bị các món ăn truyền thống.

Theo đó, từ sáng sớm ngày mùng 1 tháng 1, nhà nhà trong buôn đều nổi lửa chuẩn bị các món ăn truyền thống của dân tộc như: Cơm lam, rượu cần, canh cà đắng, canh bột, thịt heo, gà...

Đặc biệt, một món ăn không thể thiếu và cũng là một trong những lễ vật dâng cúng các thần trong ngày Mừng lúa mới chính là thịt chuột.

Theo quan niệm của người Xê Đăng, chuột là loài vật phá hoại mùa màng nên bị bắt để hiến tế thần linh. Từ đó, năm sau chuột không dám phá hại mùa màng. Để có được những con chuột sạch dâng lên thần linh, người dân trong buôn phải đi sâu vào rừng, cách nhà dân hơn 70km để tìm nơi thích hợp đặt bẫy chuột.

Nhiều học sinh tiểu học được trải nghiệm các hoạt động tại lễ hội.

Sau khi các món ăn đã dậy mùi thơm ngào ngạt, cũng là lúc mọi người tắt bếp để cùng nhau đem các món đặc sản ra nhà cộng đồng phục vụ lễ cúng, dâng lên các vị thần linh.

Ngoài các món ăn truyền thống mà người dân trong buôn đã chuẩn bị, ngay từ sáng sớm, các chàng trai, cô gái và không ít học sinh tiểu học trong buôn cũng có mặt tại nhà cộng đồng để cùng ban tổ chức chuẩn bị các vật cúng như: con heo quay, 50 ché rượu cần, 2 bộ chiêng Hling...

Lễ hội Mừng lúa mới thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân tại địa phương.

Bà Trần Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương (xã Ea H’đing) cho hay: “Trường Tiểu học Trưng vương đóng trên địa bàn buôn Kon Hring nên hầu hết học sinh của trường là người dân tộc Xê Đăng.

Với mục đích giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương và truyền thống văn hóa của dân tộc Xê Đăng, năm nay, trường đã tổ chức cho 101 học sinh lớp 5 và các thầy cô giáo tham dự lễ hội Mừng lúa mới.

Để đánh giá được kết quả trải nghiệm của mỗi học sinh, ngay sau khi lễ hội kết thúc, nhà trường sẽ tổ chức cho các em viết bài thu hoạch gửi về giáo viên chủ nhiệm của từng lớp”.

Với mục tiêu đặt ra nói trên, Trường tiểu học Trưng Vương đã tổ chức cho học sinh có mặt tại nhà cộng đồng từ lúc 7h30 để cùng người dân trải nghiệm mọi hoạt động của lễ hội như: chẻ củi, nhóm bếp, làm rau, hái ớt... Xuất phát từ ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm này, các em học sinh rất vui, phấn khởi và không nề hà khi được đóng góp công sức tại lễ hội.

Thầy cúng chuẩn bị các vật cúng tại cây nêu để giữa sân nhà cộng đồng.

Tạo nguồn cảm hứng gắn kết cộng đồng

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, đúng 11h trưa ngày mùng 1 tháng 1, khi cồng chiêng vang lên bài đón khách, cũng là lúc người dân trong buôn và du khách về tụ hội tại sân nhà cộng đồng buôn Kon Hring để cùng dự lễ.

Tại đây, thầy cúng sẽ dâng lễ vật, đọc lời khấn, cảm tạ trời đất, mời thần linh, tổ tiên, ông bà về dự và cầu mong mùa màng năm sau được tốt tươi, bội thu.

Các đơn vị đến thăm và tặng quà cho người dân buôn Kon Hring.

Ngay khi kết thúc nghi lễ cúng, thầy cúng rót rượu cần và khai vị các món ăn trong mâm cúng rồi mời người dân và du khách cùng thưởng thức.

Một cháu bé người Xê Đăng địu em đến lễ hội từ sáng sớm.

Ngay lúc này, nhịp cồng chiêng một lần nữa vang lên, vòng xoang lại được tiếp nối với hát giao duyên, chơi các trò chơi dân gian.

Mọi hoạt động tại lễ không không phân biệt ai là người xem, ai là người thưởng thức. Cả dân làng và du khách xa lạ tới đây bỗng chốc trở thành thân thuộc trong ngày lễ đầu năm.

Mọi người cùng nhau thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực và được hòa mình trong không khí mừng hội, được khám phá, nghiên cứu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Xê Đăng trong lễ hội Mừng lúa mới.

Hòa cùng niềm vui trong ngày lễ hội, nhiều đơn vị đã đến thăm, tặng quà cho người dân trong buôn.

Những đứa trẻ trong buôn háo hức khi được đến tham dự lễ hội.

Ông Vi Von - Buôn trưởng buôn Kon Hring cho biết, lễ hội Mừng lúa mới nhằm mục đích tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Xê Đăng.

Đồng thời, gìn giữ, phát huy những giá trị và giới thiệu, quảng bá hình ảnh lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Xê Đăng đến du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa, lễ hội cũng nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Mặt khác, lễ hội Mừng lúa mới cũng là một hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của cộng đồng các dân tộc trong xã Ea H’đing. Qua đó, mọi người cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tiến bộ.

Thầy cúng đọc lời khấn cảm tạ thần linh.

Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho biết, trong thời gian qua, huyện luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung và truyền thống văn hóa của người Xê Đăng nói riêng.

Đồng thời, huyện cũng xem đây là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar, lễ hội Mừng lúa mới có vị trí rất quan trọng, không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Xê Đăng mà còn tạo nguồn cảm hứng gắn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã Ea H’đing nói riêng và huyện Cư Mgar nói chung.

Qua lễ hội, người dân Xê Đăng không chỉ cầu mong một năm mới mùa màng bội thu mà còn chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn sau một năm lao động vất vả và chia sẻ kinh nghiệm để tăng gia sản xuất.

Đội cồng chiêng trong buôn biểu diễn tại lễ hội.

Với những ý nghĩa nói trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho biết, sắp tới huyện Cư Mgar sẽ nâng cấp lễ hội Mừng lúa mới lên cấp huyện nhằm quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước.

Người dân và du khách cùng nhau thưởng thức các món ăn.

Sau đây là một số hình ảnh tại lễ hội:

Khánh Ngọc