Văn hoá

Những điều chưa biết về cây nêu của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Trong các nghi lễ, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên không thể thiếu cây nêu. Cây nêu là biểu tượng tâm linh và là sự hội tụ giữa trời – đất.

Tác phẩm nghệ thuật sinh động

Với đồng bào dân tộc M’nông tại xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), cây nêu là nơi trú ngụ của các thần linh, nơi các vị thần sẽ về ở và cùng tham dự các lễ hội với bon làng.

Già làng Y Xuyên (SN 1954, trú tại bon Ja Răh, xã Nâm Nung) cho biết, người M’nông sống gần gũi với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên và trong tâm thức vẫn còn chịu sự chi phối của các thần linh (Brah, Yang). Việc quan trọng nhất của việc làm cây nêu là đi vào rừng tìm chọn những cây tre to.

Với đồng bào dân tộc M’nông tại xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), cây nêu là nơi trú ngụ của các thần linh.

Cũng theo già Y Xuyên, cây nêu được làm trong các lễ hội thường cao 3-5m trở lên, chia làm 3 tầng (tùy theo lễ cúng). Trong đó, tầng trên cùng là hình con chim én, có ý nghĩa thể hiện khát vọng cuộc sống, vươn cao bay xa, trừ tà, đuổi thú. Vật trang trí tại tầng nêu này là lục lạc, bông lúa. Đây là những vật không thể thiếu trong cuộc sống của người M’nông.

Bên dưới là một mô hình tròn được làm bằng quả bầu, tượng trưng cho đất. Xung quanh quả bầu có gắn bông gòn trắng tượng trưng cho nước. Bốn góc của tầng này có những chùm tua lồ ô, tượng trưng cho những bông lúa trĩu hạt.

Tầng giữa của cây nêu là nơi mà các vị thần linh về trú ngụ nên được người M’nông trang trí rất đẹp. Đây cũng là nơi đặt các lễ vật dâng cúng, được làm bằng tấm đan từ cây lồ ô. Bốn góc được gắn những con vật thân quen với đời sống của con người như: Dê, trâu, chim, gà... đan bằng tre nứa. Lễ vật dâng cúng lên cây nêu thường là: Con gà, gạo nếp, rượu, thịt nướng, máu của con vật hiến tế.

Cây nêu không là vật không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Tầng dưới cùng của cây nêu là nơi có cái sạp được làm rất kiên cố, cách mặt đất 2m, có thang mây để trèo lên. Đây là nơi làm lễ của người đại diện bon làng, là người có uy tín, hiểu biết. Ý nghĩa của tầng này là người cúng tế có thể nói chuyện với thần linh, xin thần linh đem lại cho bon làng sự giàu mạnh, con người khỏe mạnh, làm ra nhiều của cải, xua đuổi những cái xấu, đem lại cho bon làng sự bình yên, tốt đẹp.

Ông Y Krắp (trú tại bon Ja Răh, xã Nâm Nung) chia sẻ: “Nhìn tổng thể, cây nêu là một tác phẩm nghệ thuật sinh động, những hình con vật được khắc, đan, đẽo rất tinh tế. Cây nêu đứng giữa trời cao vút, là linh hồn và là “lễ đài” của toàn bộ buổi lễ nên nó có sức cuốn hút rất mạnh mẽ. Với giá trị nghệ thuật và tâm linh nói trên, cây nêu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào M’nông”.

Theo quan niệm của người M'nông, cây nêu là một tác phẩm nghệ thuật sinh động, 

Người M'nông bày trí các vật cúng tế tại nghi lễ mừng lúa mới của người M'nông. 

Thể hiện sự biết ơn đối với trời đất, tổ tiên

Cong tại xã Tân Thành, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), người dân tộc Thái xem cây nêu là biểu trưng của sự hội tụ giữa trời - đất đối với đời sống con người, thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với tổ tiên.

Cây nêu thường được người dân tộc Thái tổ chức dựng vào các lễ hội hàng năm từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch.

Biểu tượng cây nêu gắn liền với các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cây nêu của dân tộc Thái được các nghệ nhân lựa chọn những cây tre già, thẳng, to và cao nhất đem về khoét nhiều lỗ để trang trí muông thú, cỏ cây, hóa lá, tượng trưng cho sự hội tụ của thiên nhiên với con người. Trên cây nêu được trang trí nhiều con vật như: chim, cá, ve sầu,… được các nghệ nhân đan từ tre, nứa và đặc biệt có một quả còn.

Anh Cầm Minh Chương (trú tại thôn Đắk Rô, xã Tân Thành, huyện Krông Nô) cho biết: “Hình ảnh cây nêu thể hiện sự biết ơn trời đất đã mưa thuận gió hòa, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình, con cái có sức khỏe, cuộc sống sung túc, thể hiện sự thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời, giáo dục đoàn kết cộng đồng dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa”.

Cây nêu của dân tộc Thái ở xã Tân Thành (huyện Krông, tỉnh Đắk Nông).

Còn với người Ê Đê, cây nêu là biểu tượng của tâm linh, được trang trí những họa tiết, hoa văn khác nhau tùy theo ý nghĩa của từng nghi lễ tạ ơn hoặc cầu an, cầu sự no đủ cho gia đình hoặc cộng đồng,…

Khác với các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, cây nêu của dân tộc Ê Đê đơn giản không cầu kỳ, họa tiết trang trí đơn giản vừa đủ để đáp ứng nhu cầu tâm linh và ước vọng trong cuộc sống của cá nhân và cả cộng đồng.

Với người dân tộc Thái, cây nêu thể hiện sự biết ơn trời đất đã mưa thuận gió hòa, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình, con cái có sức khỏe, cuộc sống sung túc.

Theo đó, người Ê Đê chọn cây thân mềm (cây xoan); thân thẳng, cây không tỳ vết, không bị sâu đục, lá không úa vàng,… để làm cây nêu.

Màu sắc để tô vẽ các họa tiết trên cây nêu thường dùng gồm màu đỏ là máu vật tế, màu đen.

Cây nêu của dân tộc Ê Đê đơn giản không cầu kỳ.

Cứ thế, ý nghĩa của biểu tượng và họa tiết từng phần trên cây nêu của người Ê Đê được ví như thân hình của một vị thần, mang những thông điệp cầu xin, phù hộ cho cuộc sống an lành và xung túc của tất cả mọi người, mọi nhà và tất cả cộng đồng.

Khánh Ngọc