Những dấu ấn đặc biệt của lịch sử LHP Cannes

Buộc phải hoãn tổ chức vào tháng 5 tới do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, tuy nhiên, BTC vẫn hi vọng rằng, LHP Cannes sẽ tiếp tục được tổ chức vào thời điểm thích hợp vào cuối tháng 6 – đầu tháng 7/2020.

Tờ tạp chí số ra hằng tuần Le Point đưa tin, theo BTC, do tình trạng khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 tại Pháp và thế giới, Liên hoan phim Cannes 2020 sẽ không thể diễn ra theo dự kiến từ ngày 12/5 đến 23/5 tại Pháp.

Đại diện ban tổ chức phát biểu trong một thông báo vào ngày 19/3: "Chúng tôi đã cân nhắc một số phương án để đảm bảo sự kiện có thể được diễn ra trọn vẹn, và đi đến lựa chọn hoãn lại Cannes cho đến cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay. Ngay khi tình hình y tế của Pháp và quốc tế cho phép chúng tôi có thể đánh giá tốt hơn, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định của mình".

Thảm đỏ liên hoan phim Cannes.

Ban tổ chức cho biết họ cũng cho biết sẽ tham vấn liên tục với chính phủ Pháp, thành phố Cannes, các thành viên trong ban điều hành lễ hội cũng như các đối tác của sự kiện.

Sự ra đời, phát triển và tồn tại của Liên hoan phim (LHP) Cannes bắt nguồn từ những kết quả gián tiếp của cuộc đấu tranh chống phát xít tại châu Âu trong thập niên 30.

Sự kiện LHP Phim Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Venice (1932) đã thúc đẩy giới điện ảnh tham gia dự giải, và dần hình thành nên một chuẩn mực đầu tiên cho những giá trị nghệ thuật điện ảnh.

Giải thưởng uy tín nhất được trao ở Cannes là Palme d'Or (giải Cành Cọ Vàng) cho phim Xuất sắc nhất; giải thưởng này thỉnh thoảng cũng được trao đồng thời cho nhiều phim trong một năm.

Tuy nhiên ban giám khảo của Liên hoan, gồm một nhóm những chuyên gia điện ảnh quốc tế được chọn lựa, cũng trao tặng những giải thưởng khác, bao gồm "Giải thưởng lớn" (Grand Prix - giải thưởng quan trọng thứ hai).

Tháng 1/1939, LHP Cannes đầu tiên đã sẵn sàng ra mắt tại khách sạn Municipal Casino. Hãng Metro-Goldwyn-Mayer thuê hẳn một chuyến tàu vượt Đại Tây Dương để chở các ngôi sao Hollywood như Tyrone Power, Gary Cooper, Annabella, Norma Shearer, George Raft… tới tham dự LHP. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau thì Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, khiến sự kiện điện ảnh phải ngưng lại trước khi kịp diễn ra.

Năm 1948, LHP không thể diễn ra vì thiếu kinh phí.

Từ 3 đến 20/4/1951, LHP tổ chức lần đầu tiên vào mùa xuân (mục đích là để tránh đụng chạm với "đàn anh" Venice).

Năm 1955, cái tên Cành Cọ Vàng (Palme d’Or) chính thức ra đời để tôn vinh tác phẩm điện ảnh tuyệt vời nhất trong năm. Tên trước đó của Cành Cọ Vàng là Giải thưởng lớn (Grand Prix du Festival International du Film).

Xuất hiện tại LHP Cannes 1955 khi vừa đạt giải Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất, Grace Kelly thể hiện gu thời trang cuốn hút với chiếc áo sơ mi kiểu cách. Ngay sau đó, cô lọt vào mắt xanh của thái tử Rainier và trở thành công nương xứ Monaco.

Năm 1957, Elizabeth Taylor lộng lẫy và đầy quý phái với những món đồ trang sức quý giá là chiếc vương miện – một món quà của người chồng thứ ba - Mike Todd. Sau đó, chiếc vương miện được bán đấu giá hơn 4 triệu USD vào năm 2011.

Năm 1971, LHP Cannes kỷ niệm 25 năm hoạt động. Danh hài Charlie Chaplin được trao giải thưởng danh dự (the Légion d’Honneur).

Năm 1987, Liên hoan phim Cannes lần đầu tiên có vinh dự đón tiếp cặp đôi hoàng gia là Hoàng tử Charles và Công nương Diana. Bộ đầm màu xanh của Công nương cho đến nay vẫn được xem là trang phục đẹp nhất từng xuất hiện trên thảm đỏ.

Năm 1993, đạo diễn Jane Campion trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Cành Cọ Vàng với phim The Piano.

Từ năm 2002, Liên hoan phim quốc tế (Festival international du film) bắt đầu lấy tên chính thức là Liên hoan Cannes (Festival de Cannes), tên gọi vốn đã được sử dụng rộng rãi từ trước đó.

Năm 2019, nền điện ảnh Hàn Quốc đã làm nên kì tích khi bộ phim Ký sinh trùng (The Paradise) của đạo diễn Bong Joon Ho giành giải thưởng Cành cọ Vàng danh giá.

Chiến thắng của Parasite (Ký sinh trùng) là vô cùng xứng đáng. Đêm liên hoan thứ 7 của LHP Cannes 2019, người ta đã chứng kiến một kỷ lục chưa từng thấy trước đó dành cho một tác phẩm điện ảnh châu Á. Cả khán phòng với 2.300 khách mời đã đồng loạt đứng lên, vỗ tay tán dương bộ phim này trong hơn 8 phút.

Dù buổi chiếu phim diễn ra ở suất cuối, mọi người đều đã thấm mệt nhưng không ai muốn rời khỏi phòng chiếu sớm. Đạo diễn Bong Joon Ho lại một lần nữa làm người hâm mộ và các nhà phê bình phim phải thán phục không tiếc lời.

Minh Anh (Tổng hợp)