Đời sống

Những "bí mật" ít người biết về bánh Trung thu

Bánh Trung thu là món đặc trưng không thể thiếu trên mâm cỗ trông trăng. Tuy nhiên xung quanh loại bánh này có nhiều điều thú vị không phải ai cũng biết.

Tết Trung thu, như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào Rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Từ xưa, đây được xem là ngày lành, tháng tốt để tiên đoán mùa màng và cũng là dịp Tết vui chơi của trẻ nhỏ.

Theo đó, người xưa luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia ly. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết Đoàn viên

Bánh Trung thu là một phần không thể thiếu trên mâm cỗ trông trăng. 

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ trông trăng. Trẻ em rước đèn, xem múa lân, chơi trò chơi dân gian đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù… Trong đêm rằm, tất cả các thành viên trong gia đình cùng ngắm trăng, thưởng thức mâm cỗ gồm bánh kẹo, hoa quả ở ngoài sân, được gọi là “phá cỗ”. Đặc biệt bánh Trung thu là món đặc trưng không thể thiếu vào mỗi dịp rằm tháng Tám.

Tuy nhiên câu hỏi bánh Trung thu xuất hiện từ bao giờ, có nguồn gốc từ đâu… hiện vẫn chưa đáp án chính xác từ giới nghiên cứu.

Với người Trung Quốc, có giả thuyết cho rằng từ thời Ân, Chu, ở vùng Triết Giang đã có loại bánh kỷ niệm Thái sư Văn Trọng, gọi là bánh Thái sư. Đây có thể coi như là "thuỷ tổ" của bánh Trung thu. Vào thời Tây Hán, nhà ngoại giao Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt mè, hạt hồ đào (walnut), dưa hấu làm nguyên liệu cho loại bánh này, nên nó được gọi là bánh hồ đào.

Đến thời Đường, tương truyền có một đêm Trung thu, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh hồ đào, thưởng ngoạn trăng rằm, Đường Huyền Tông chê tên bánh không hay nên đặt tên là bánh nguyệt (mặt trăng) cho thơ mộng hơn. Từ đó về sau người Trung Quốc gọi nó là bánh mặt trăng.

Đến thời nhà Tống, tập tục ăn bánh Trung thu rất thịnh hành trong giới quý tộc. Thơ Tống có nhiều bài viết về việc ăn bánh, ngắm trăng vào ngày này. Tuy nhiên, trong dân gian, việc ăn bánh Trung thu lúc đó chưa phổ cập.

Có giả thuyết cho rằng tập quán ăn bánh mặt trăng mỗi dịp Trung thu bắt đầu từ cuối thời Nguyên, khi Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn nổi dậy. Để có thể truyền tin một cách bí mật, họ cho làm những cái bánh hình tròn, phía trong nhét tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là thời điểm trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng Tám.

Những cái bánh này được người ta truyền cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc hiệu quả. Sau khi lật đổ triều Nguyên, Chu Nguyên Chương dùng bánh Trung thu làm quà tặng cho các quan tướng như lời cảm ơn, tưởng nhớ ngày khởi nghĩa thành công. Từ lúc ấy, bánh Trung thu chính thức trở thành món ăn của ngày lễ tết này, và được xem như món quà biếu ý nghĩa.

Chiếc bánh Trung thu từ Trung Quốc du nhập vào nhiều quốc gia châu Á khác. Từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Việt Nam… mỗi quốc gia lại thêm bản sắc văn hóa dân tộc của mình vào cách tổ chức ngày lễ lẫn chiếc bánh Trung thu.

Ban đầu, bánh Trung thu có hình tròn, tượng trưng cho sự đoàn kết, hoàn chỉnh.

Ở Việt Nam, bánh trung thu truyền thống gồm có 2 loại là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn, làm bằng nhân lạp xưởng và lòng đỏ trứng gà. Còn bánh dẻo có vị ngọt làm bằng nhân đậu xanh hay đậu đỏ được nấu nhừ và đánh nhuyễn như bột.

Với hình dáng tròn đầy, ngập các loại nhân, bánh Trung thu thể hiện sự viên mãn, sung túc. Bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa đoàn viên. Nhân bánh mặn, ngọt, đủ vị thể hiện sự ấm áp, ngọt ngào của gia đình

Dần dần, bánh được biến dạng thành hình vuông, có lẽ vì mỹ thuật và dễ xếp trong hộp vuông, vừa đủ bốn chiếc một hộp. Bên cạnh đó bánh Trung thu hiện đại có nhiều kích cỡ to hơn, thậm chí khổng lồ. Mặt bánh có đóng dấu những chữ mang thông điệp tốt lành. Có nơi là khuôn Mặt Trăng, tỉ mỉ hơn có cả hình người phụ nữ trong trăng với một chú thỏ (tượng trưng cho Hằng Nga và Thỏ Ngọc). Nhân bánh truyền thống là trứng muối giờ được thay thế rất nhiều loại nhân khác. Hương liệu cũng nhiều mùi, từ cà phê, sôcôla, tới trái cây… đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực khách.

Minh Hoa (t/h theo VTC, Gia đình & Xã hội)