Bóng đá Việt Nam

Những "bà Phương Hằng" của bóng đá Việt Nam

Tại Mỹ Đình, tuyển Việt Nam đã thua tuyển Oman. Một thất bại được báo trước. Nhưng còn thất bại khác được báo trước nhưng cay đắng bội phần.

Đêm qua, trước thềm trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Oman, công an Tp.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

VKSND cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Theo cơ quan điều tra, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của mình, tổ chức nhiều buổi livestream có nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bà Hằng sử dụng những ngôn từ "mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" của những người liên quan. Bất luận như thế nào, hành vi như vậy đều là không chấp nhận được trong một xã hội văn minh và đáng bị nghiêm trị.

Đêm qua, theo lời HLV Park Hang Seo, “các cầu thủ đã nỗ lực hết sức nhưng kết quả không như mong muốn”. Đội tuyển Việt Nam đã để thua với tỷ số tối thiểu 1-0. Thất bại được dự báo trước, đến từ một tình huống đoán trước.

Oman là đội tuyển bóng đá đang đứng thứ hạng 79 trên bảng xếp hạng FIFA, họ đã thắng chúng ta ở lượt đi và từng hạ cả gã khổng lồ Nhật Bản. Trong khi đó, tuyển Việt Nam mới chập chững bước vào top 100 cũng như lần đầu lọt vào tới vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á.

Đội hình Oman có 6 cầu thủ cao trên 1m80 và là đội bóng rất giỏi trong các tình huống phối hợp phạt góc, điều đã được chứng minh ở lượt đi. Đội hình Việt Nam chỉ có Thành Chung và Tiến Linh cao trên 1m80, hầu hết cao dưới 1m75. Khalid Al-Hajri, cao 1m82, là tác giả bàn thắng, với một pha bật cao đánh đầu lái bóng đẹp mắt.

Đêm qua, tại Mỹ Đình, các học trò của HLV Park Hang Seo không quá kém cạnh về mặt thế trận, cầm bóng 49%, tung ra 11 pha dứt điểm (so với 12 của đội bạn), được hưởng 11 quả phạt góc, gấp 5 lần đối phương, và nhiều tình huống khiến khung thành Oman chao đảo.

Đó là thành quả đáng ghi nhận của 90 phút “chơi với 200% khả năng” như lời đội trưởng Đỗ Hùng Dũng. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng nặng nề đến lực lượng của tuyển Việt Nam. Có tổng cộng 8 tuyển thủ dương tính và không thể tham dự trận đấu với Oman, bao gồm những trụ cột như Hoàng Đức hay Xuân Trường.

Nhưng đêm qua, sau trận đấu cuối cùng trên sân nhà của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022, nhiều “bà Phương Hằng” xuất hiện trên cộng động mạng.

Thay vì những lời tri ân dành cho các tuyển thủ, sau hành trình lịch sử đối với nền bóng đá nước nhà, đám đông quay sang chỉ trích, miệt thị, thậm chí sử dụng những ngôn từ "mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" một số tuyển thủ có dấu hiệu đạt phong độ không tốt. Ngoài ra là hiện tượng hạ thấp người này nhằm đề cao người khác.

Trước nhất, đó là lối ứng xử kém văn hóa cần loại trừ. Không phải lần đầu, cái cọi là “cộng đồng mạng” lèo lái dư luận và tấn công một cách “man rợ” những cá nhân và tổ chức khiến họ phẫn nộ. Từ CĐV đến cầu thủ đối phương, rồi trọng tài điều khiển trận đấu. Và bây giờ, như thường lệ mỗi khi đội tuyển quốc gia đạt kết quả không như mong muốn, là những tuyển thủ đang đại diện cho tổ quốc và nỗ lực hết mình cho niềm hãnh diện của bóng đá nước nhà.

Những người xư vậy không xứng đáng để gọi là CĐV, người hâm mộ hay khán giả. Đêm qua tại sân bóng sức chứa 4 vạn người và mở cửa cho 2 vạn khán giả vào sân, ở một trận đấu vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, vòng đấu quy tụ những đội mạnh nhất châu Á, theo ban tổ chức chỉ có hơn 6.000 CĐV đến sân. Gió lạnh tại Mỹ Đình có lẽ không lạnh bằng lòng người.

Thứ hai, việc chê trách một tuyển thủ diễn ra dễ dãi và vô thưởng vô phạt, với sở thích sẵn có là công kích người khác. Tất nhiên khi sa sút, việc phản biện hay phê bình là cần thiết để giúp những tài năng của đất nước trở lại đúng với quỹ đạo. Nhưng cách phản ứng của “cộng đồng mạng”, điều đập vào mắt là những câu chữ ác ý như thể muốn chôn vùi sự nghiệp của các tuyển thủ. Ai còn nhớ U19 Việt Nam? Ai còn nhớ Thường Châu tuyết trắng?

Thứ ba, quan trọng nhất, văn hóa bóng đá vẫn còn nhiều điều kém văn minh. Việc cầu thủ bóng đá lên xuống phong độ là điều bình thường. Nhưng để đánh giá và chỉ trích cần dựa trên nhiều yếu tố. Đơn cử như trận đấu với Oman, có 3 tuyển thủ Việt Nam được SofaScore chấm điểm 6.5, thấp nhất đội, nhưng chỉ 1 cầu thủ bị chỉ trích. Đó là Vũ Văn Thanh, cho dù hậu vệ của HAGL phải chơi nghịch chân (thuận chân phải đá cánh trái).

Một chi tiết khác, di chuyển thuộc dạng nhiều nhất trên sân, thực hiện số đường chuyền và có tỷ lệ chuyền bóng chính xác còn cao hơn Hùng Dũng, người chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Nhưng xin nhấn mạnh lại, những số liệu vừa nêu chỉ để chứng minh Văn Thanh đã nỗ lực trong suốt 76 phút hiện diện trên sân chứ không phải hạ thấp đội trưởng của đội tuyển Việt Nam. Và nên nhớ, cầu thủ của HAGL là phương án khả dĩ nhất cho vị trí hậu vệ trái, trong bối cảnh Văn Hậu và Hồng Duy vắng mặt, và dựa trên các yếu tố như trình độ lẫn kinh nghiệm trận mạc.

Điều không thể phủ nhận, Văn Thanh đang ở giai đoạn sa sút. Cảm giác bóng của anh không tốt. Tuy nhiên, những ai đã theo dõi sự phát triển của cầu thủ này suốt thời gian dài đều biết cầu thủ của HAGL là một cầu thủ chạy cánh tài năng. Anh có bản lĩnh thi đấu, lối chơi hiện đại, sự đa năng, thể lực bền bỉ, sự xông xáo, khả năng hỗ trợ tấn công và cả kỹ năng dứt điểm cực tốt. Há chăng, “cộng đồng mạng”, những HLV online muốn một tài năng như vậy thui chột để chứng minh họ đã đúng hay họ… có chuyên môn?!

Đêm qua, không phải là một đêm buồn của đội tuyển Việt Nam, khi toàn đội đã nỗ lực hết sức trong nghịch cảnh. Và đáng ra cũng không phải đêm buồn cho Văn Thanh. Hy vọng anh sớm lấy lại phong độ. Chỉ buồn cho một nền văn hóa bóng đá còn quá lắm “bà Phương Hằng”, những người từng vỗ ngực "chỉ xem bóng đá nước ngoài, không thèm xem bóng đá Việt Nam" hay chưa từng góp một đồng cho nền bóng đá nước nhà", nhưng lại rất thiếu những CĐV chân chính ở cấp ĐTQG chứ chưa nói đến cấp CLB.