Đời sống

Những ai không nên ăn thịt gà?

Thịt gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích. Dù vậy, không phải ai cũng nên ăn thịt gà.

Thịt gà phổ biến đến mức xuất hiện hầu như ở mọi quốc gia. Có rất nhiều cách để chế biến thịt gà, từ những cách đơn giản nhất là luộc, hấp đến nướng, chiên, theo Eat This, Not That!.

Dù thịt gà có một số hạn chế như hàm lượng cholesterol và natri cao nhưng đây vẫn là món ăn giàu dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lượng cholesterol này chỉ tương đương một khẩu phần cá hồi và thấp hơn so với nhiều loại thịt đỏ.

Những lợi ích nổi trội nhất của thịt gà là tăng cường cơ bắp, làm xương chắc khỏe và giúp tăng cân khỏe mạnh. Lợi ích này có được là nhờ hàm lượng protein cao trong thịt gà.

Mặc dù rất tốt cho sức khỏe và giàu dinh dưỡng, tuy nhiên nếu mắc phải một trong những căn bệnh dưới đây thì bạn tuyệt đối không nên ăn thịt gà.

Người mắc bệnh huyết áp và tim mạch: Theo các chuyên gia, những người mắc bệnh về huyết áp hay tim mạch thì nên hạn chế ăn thịt gà, nhất là phần da. Trong lớp da gà có chứa hàm lượng cholesteron và mỡ cao không tốt cho sức khỏe của những người đang mắc bệnh này.

Thịt gà ngon nhưng người thủy đậu, sau mổ, sỏi thận không nên ăn (Ảnh minh họa)

Người sau mổ không nên ăn thịt gà: Theo kinh nghiệm dân gian, sau khi mổ ăn thịt gà sẽ rất dễ dẫn đến các hiện tượng sưng, mưng mủ ở vết thương đồng thời khiến da lâu lành và dễ bị viêm nhiễm hơn. Đặc biệt, với các vết thương hở, nếu không được chăm sóc đúng cách thì rất dễ để lại sẹo lồi.

Người bị thủy đậu nên kiêng ăn thịt gà: Cũng giống như bệnh nhân sau mổ, người bị bệnh thủy đậu nên kiêng ăn thịt gà nhất là phần da gà bởi nó rất dễ gây ngứa ở các nốt thủy đậu và rất dễ để lại sẹo sau khi hết bệnh.

Người bị bệnh sỏi thận: Người mắc bệnh sỏi thận không nên ăn thịt gà bởi hàm lượng protein có trong thịt gà sẽ làm cho lượng oxalate trong nước tiểu tăng và hình thành nên các loại sỏi.

Chế biến và bảo quản thịt gà đúng cách để phòng ngộ độc:

- Khi mua thịt gà sống ở chợ hoặc siêu thị cần cho gà vào túi dùng một lần trước khi cho vào giỏ hàng hoặc tủ lạnh để chúng không bị dính vào các thực phẩm khác.

- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với thịt gà.

- Không rửa thịt gà sống gần các thực phẩm khác vì trong quá trình rửa, nước rửa gà có thể bắn ra làm ô nhiễm các thực phẩm, đồ dùng và bề mặt khác.

- Dùng thớt riêng để chế biến thịt gà sống. Rửa thớt, đồ dùng, bát đĩa và mặt bàn bếp bằng nước rửa bát sau khi sơ chế gà và trước khi chế biến món tiếp theo.

- Không để thực phẩm đã nấu chín hoặc sản phẩm tươi sống trên đĩa, thớt, hoặc bề mặt khác mà trước đó đã đựng thịt gà sống.

- Không nên dùng lò vi sóng hoặc các thiết bị điện tử có khả năng làm nóng không đều để chế biến thịt gà đông lạnh.

- Chỉ ăn thịt gà khi đã được nấu chín kỹ, không còn màu đỏ, không ăn thịt gà tái.

- Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gà còn thừa trong vòng 2 giờ (hoặc trong vòng 1 giờ nếu trời nóng).

Hồng Anh (T/h theo VTC News, Sức Khỏe& Đời Sống)