Đời sống

Những ai không nên ăn mít?

Mít là loại quả ngon, ngọt được yêu thích vào ngày hè, tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn mít thỏa thích.

Mít chứa nhiều chất chống oxy hóa ngăn lão hóa sớm, bệnh nhiễm trùng và bệnh thông thường như cảm lạnh và cúm. 

Mít cũng giàu vitamin C, quan trọng trong việc chống lại các gốc tự do gây tổn hại tế bào. 

Mít chứa lượng carbohydrate đáng kể có thể làm tăng năng lượng mà không tăng đường huyết. Ngoài ra sucrose và fructose trong mít giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng. Đường trong mít có đặc tính giải phóng glucose làm giảm chỉ số đường huyết.

Ngoài ra, mít cung cấp 10% kali của cơ thể giúp điều hòa huyết áp, đau tim, đột quỵ. Cơ thể thiếu kali sẽ làm đảo lộn sự co bóp của tim và tính linh hoạt của mạch máu.

Tuy là loại trái cây tốt cho sức khỏe nhưng những nhóm người có dấu hiệu bệnh sau chớ dại ăn mít.

Bệnh tiểu đường: Mít có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza, khi ăn vào được cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.

Bệnh gan nhiễm mỡ: Mít là loại quả có rất nhiều dinh dưỡng và vitamin. Nhưng loại quả này cũng chứa nhiều đường không tốt cho gan và dễ gây nóng trong người.

Những trường hợp gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan vừa hoặc nặng, nên cẩn thận khi ăn trái cây có chứa nhiều năng lượng và khó tiêu như mít.

Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối (Ảnh minh họa)

Bệnh suy thận mạn: Bệnh nhân suy thận mạn nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Do khi bị suy thận, kali bị ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu, nếu quá nhiều sẽ dẫn đến tử vong do ngừng tim mà không có dấu hiệu báo trước nào.

Người bị suy nhược, sức khỏe yếu: Người có sức khỏe yếu khi ăn nhiều mít dễ bị đầy bụng, khó chịu, tim làm việc nhiều, có nguy cơ cao tăng huyết áp.

Các bệnh mãn tính: Những người có bệnh mãn tính chỉ nên ăn thưởng thức mà thôi. Khi ăn mít thì cần làm sạch nhựa, nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối. Với trẻ em và người cao tuổi nên cắt nhỏ hoặc nghiền nhuyễn.

Cách ăn mít tốt cho sức khỏe:

- Không ăn mít khi bụng đói bởi nó sẽ khiến hàm lượng đường trong máu đột ngột tăng cao, gây đầy bụng, khó tiêu. Tốt nhất bạn chỉ nên ăn mít sau khi đã ăn cơm khoảng 1, 2 tiếng để đảm bảo cho sức khỏe. Và lưu ý không nên ăn mít vào buổi tối, nhất là hạt mít.

- Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối.

- Nên ăn với lượng vừa phải, với những người mắc bệnh mãn tính, chỉ nên ăn tối đa 80g (khoảng 3-4 múi mít/ngày).

- Nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

- Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn mít thì cần bổ sung đủ nước (2-2,5l/ngày) và rau xanh (200-300 g/ngày).

Quỳnh Chi (Tổng Hợp)