Môi trường

Nhức nhối thực trạng khoáng sản "chảy máu" núp bóng "nạo vét lòng hồ"

Hiện nay, nhiều địa phương đang cấp phép nạo vét lòng hồ/sông/biển theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư sau khi trúng thầu chủ yếu tập trung khai thác khoáng sản, những nhiệm vụ còn lại đều mất hút. Thậm chí, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông/hồ/biển, khiến người dân bức xúc, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đúng nghĩa “tận thu”

Thời gian gần đây, PV Người Đưa Tin Pháp luật tiến hành điều tra, thâm nhập thực tế tại huyện, như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), Đất Đỏ, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vĩnh Cửu, Trảng Bom (Đồng Nai)… cho thấy, tình trạng doanh nghiệp tiến hành khai thác khoáng sản dưới danh nghĩa “tận thu” diễn ra hết sức nóng.

Điển hình như tại Bình Thuận, lợi dụng được cấp phép nạo vét, kết hợp tận thu cát bồi ở sông La Ngà (thuộc địa phận các xã: La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình, huyện Tánh Linh), một số doanh nghiệp ngang nhiên khai thác cát ngoài vị trí được cấp phép.

Vị trí khai thực hiện dự án của công ty Việt Khôi Hưng.

Những ngày "mật phục" tại khu vực giáp ranh 3 xã: La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình, PV ghi nhận thực tế đau lòng, máy móc kêu ầm ầm, vang cả một khúc trời. Dưới lòng sông La Ngà, cát được bơm lên, đổ thành núi vàng tươi dưới ánh nắng mặt trời.

Trên Quốc lộ 55, có một số cầu nhỏ, hẹp (không hề có biển báo tải trọng, tốc độ) xe ben cỡ lớn nối đuôi chạy với tốc độ “tử thần”.

Xe ben trống vào, quay ra chứa đầy cát chở đến các điểm phân phối ở Biên Hoà, Căn cứ 4 (Đồng Nai) và nhiều điểm khác.

Một bãi tập kết cát trên địa bàn huyện Đất Đỏ.

Qua ghi nhận của PV, hiện trường khu vực khai thác cát thuộc xã La Ngâu nham nhở, sông La Ngà đang sạt lở hai bên bờ nghiêm trọng. Trong khi đó, máy xúc, máy đào ngang nhiên khai thác, xe trọng tải lớn ra vào tấp nập.

Theo tìm hiểu của PV, việc nạo vét tận thu khoáng sản trong lòng hồ đập dâng Tà Pao của công ty CP Khoáng sản Thuận Phong thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, với mục đích nạo vét làm tăng dung tích lòng hồ.

Đồng thời, tận dụng khối lượng cát bồi lắng thu được trong quá trình nạo vét để phục vụ nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn huyện Tánh Linh.

Việc này được cho là nhằm hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, tránh lãng phí tài nguyên và tăng nguồn thu ngân sách, giảm chi phí của ngân sách Nhà nước để đầu tư cho việc nạo vét công trình.

Dù theo giấy phép là việc khai thác cát bồi lắng có được sẽ phục vụ nhu cầu trên địa bàn huyện Tánh Linh, tuy nhiên, lại được phân phối đi khắp nơi trên địa bàn của các huyện/thị của tỉnh Bình Thuận.

Thậm chí, còn đưa về các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, TP.HCM… "nếu anh có nhu cầu” như lời người làm việc tại bãi cát của công ty Thuận Phong cho biết.

Trong một lần kiểm tra của Đoàn liên ngành tỉnh Bình Thuận hồi tháng 7/2020, công ty Thuận Phong có 3 bãi tập kết cát. Bãi 1 có khối lượng khoảng 50 m3, bãi 2 có khối lượng khoảng 1.200 m3, và bãi 3 có khối lượng 800 m3.

Dự án "nạo vét - tận thu" trên địa bàn xã Lộc An, huyện Đất Đỏ.

Tương tự, tình trạng khai thác khoáng sản (đá mồ côi - dùng để lót sân, ốp tường…) đang diễn ra tràn lan trên địa bàn xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Theo tìm hiểu, điều tra của PV, hầu hết các điểm khai thác đá nằm trong vườn, rẫy (chủ yếu là tràm, chuối, đất trống…) của người dân.

Dưới danh nghĩa “cải tạo đất vườn”, chủ đất móc nối với các cơ sở chế biến, sản xuất đá (chủ yếu là 2 cơ sở: Thạch Bàn 2 và hộ ông Sách, nằm trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) để khai thác đá mồ côi ồ ạt.

Tại hiện trường, máy cuốc, máy xúc, máy ủi vẫn đang ồ ạt hoạt động để đưa đá rời khỏi địa phương với số lượng rất lớn hàng ngày.

Trong vai người đi mua đá, PV vào đặt hàng tại cơ sở của ông Sách (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu), đại diện cơ sở này cho biết: “Mỗi ngày có thể cung cấp được khoảng 60 kiện, mỗi kiện có thể lót được 11 m2 diện tích sàn”.

Khó có giấy phép… nên lách luật

Trong khi đó, tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cấp phép “nạo vét, xử lý cấp bách hiện tượng bồi lắng cửa luồng ra vào khu neo đậu, khu tránh trú bão cho tàu cá Bến Lội - Bình Châu”.

Đến tháng 6/2020, UBND tỉnh tiếp tục gia hạn thời gian nạo vét cho công ty TNHH Việt Khôi Hưng thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, mới đây, các đơn vị liên quan đã bắt tại trận công ty Việt Khôi Hưng khai thác khoáng sản trái phép.

Cụ thể, ngày 20/8, tổ công tác của UBND xã Bình Châu kiểm tra và phát hiện công ty Việt Khôi Hưng có hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực Láng Hàng (ấp Bình Minh, xã Bình Châu) không có giấy phép và vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ.

Bãi khai thác đá mồ côi trên địa bàn xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom.

Hiện trường có 1 xe cuốc bánh hơi đang tiến hành hoạt động xúc đổ cát vào xe ben, mang biển số 72C-16779, khối lượng cát trên xe ben khoảng 4m3. Tại khu vực xe cuốc xúc cát có 1 hố sâu so với mặt bằng xung quanh khoảng 2m, diện tích khoảng 16m2.

Về vụ việc này, UBND xã Bình Châu đã ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm (nêu trên) cùng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của công ty Việt Khôi Hưng để phục vụ công tác xử lý.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Xuyên Mộc cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng này và đang tham mưu để UBND kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục để tịch thu, xử lý tang vật theo quy định của pháp luật”.

Dù việc khai thác đá diễn ra ồ ạt nhưng cũng đang được cho là "tận thu" khi "cải tạo vườn". 

Với những thông tin cung cấp của PV về tình trạng khai thác cát của công ty Việt Khôi Hưng, ông Linh cũng cho biết: “Sẽ kiến nghị tạm dừng việc cấp phép cho công ty này tiếp tục thực hiện dự án”.

Trong khi đó tại Bình Thuận, làm việc với PV, bà Lương Thị Đoan Trang, Chủ tịch UBND xã La Ngâu, huyện Tánh Linh cho biết: “Trên địa bàn có công ty Cổ phần Khoáng sản Thuận Phong (trụ sở quận 9, TP.HCM) được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép nạo vét, kết hợp tận thu cát bồi trong lòng hồ đập dâng Tà Pao.

Đây là công trình thủy lợi, diện tích được cấp phép là 22,5ha, trong đó nạo vét lòng hồ là 15ha, phần diện tích còn lại kéo dài gần 7 km dọc theo sông La Ngà. Thời gian triển khai dự án là 5 năm”.

“Trong quá trình công ty Thuận Phong hoạt động tại địa phương, UBND xã có lập đoàn kiểm tra - với nhiều thành viên. Đoàn đi nhưng không phát hiện lỗi gì nên không lập biên bản?”, bà Trang nói.

PV làm việc với phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tánh Linh, ông Nguyễn Hữu Phước, Trưởng phòng (mới được bầu giữ giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh) cho biết: “Vụ việc mà anh trình bày (khai thác cát) thuộc dự án nạo vét lòng hồ dập dâng Tà Pao và tận thu. Tuy nhiên, đây là dự án của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn quản lý, vì đây là công trình thủy lợi, không thuộc quản lý của ngành tài nguyên – môi trường?”.

Xe ben cỡ lớn chở đầy khoáng sản phóng với tốc độ "tử thần".

Theo một nhà đầu tư tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên): "Hiện nay, để xin được giấy phép khai thác khoáng sản tại các địa phương là rất khó khăn. Hầu hết các địa phương đều nói không với khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, đá, cao lanh... Vì vậy, để có giấy phép, các nhà đầu tư thường kiến nghị với địa phương là "nạo vét - tận thu"".

Dù nói nạo vét - tận thu nhưng họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng ở nơi nào có trữ lượng khoáng sản lớn, do đó, bản chất của việc này là khai thác khoáng sản.

Còn dự án nạo vét chỉ là cái tên có trên giấy phép, thực tế ở các địa phương cho thấy, đi vào hoạt động, các doanh nghiệp chủ yếu là khai thác khoáng sản. Nếu còn, tiếp tục xin gia hạn, hết khoáng sản lại để lại bãi chiến trường nham nhở, còn gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông/hồ/biển... là hậu quả thấy rõ.