Giáo dục

Nhức nhối bạo lực học đường: Trường học có còn là nơi an toàn?

Nhiều vụ việc liên quan tới các hành vi bạo lực xảy ra trong trường học và để lại hậu quả vô cùng đau đớn.

Trước vấn nạn này, nhiều phụ huynh tỏ ra hoài nghi về quan niệm “mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Vậy giáo dục văn hóa học đường cần đóng vai trò như thế nào để trường học thực sự là nơi an toàn với học sinh?

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (học viện Quản lý Giáo dục) chia sẻ: “Tôi thực sự đau lòng khi đọc thông tin về sự việc học sinh tử vong chỉ vì mâu thuẫn với nhau. Đây là hậu quả nặng nề, không thể cứu vãn.

Hai sự việc học sinh xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau gây tử vong liên tiếp xảy ra tại Ninh Bình và Hà Nam vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cả gia đình và nhà trường về việc giáo dục bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường.

Nếu ngay từ đầu, nhà trường và gia đình chú trọng giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận diện mâu thuẫn, chủ động hòa giải thì sẽ không xảy ra những sự việc đau lòng trên”.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Loan, nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực học đường chủ yếu là do vấn đề tâm lý lứa tuổi học sinh. Chính vì vậy, giải pháp cho tình trạng này cũng phải từ góc độ tâm lý, nhà trường phải phổ biến kỹ năng sống, giá trị sống vào trường học.  

Từ đó, các em học sinh sẽ được trang bị kỹ năng sống, còn các cô giáo biết quản lý, chuyển hoá cảm xúc, biến tâm lý căng thẳng thành chuyện bình thường.

Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường với chức năng quản lý của mình phải quan tâm sát sao đến từng học sinh. Có quan tâm thật sự mới hiểu các em có tâm tư, nguyện vọng gì. Khi phát hiện sớm những vấn đề mà các em gặp phải thì sẽ có cách để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Để củng cố vai trò của mình, giáo viên cần xây dựng được lực lượng hòa giải trong lớp học với sự tham gia của học sinh và phụ huynh.

“Phụ huynh cần quan tâm đến con cái với tiêu chí là những người bạn đồng hành, để các con có thể nói hết những suy nghĩ, vấn đề đang gặp phải. Đồng thời, phụ huynh cũng có thể tham gia giải quyết những vấn đề đó với vai trò là người hòa giải.

Thông qua đó, bố mẹ có thể giúp con nhận thức được vấn đề đang mắc phải, tìm cách tháo gỡ bằng việc tạo ra cách thức ứng xử phù hợp. Bố mẹ tuyệt đối không được vì bức xức thay con mà chạy đến đánh người đang có mâu thuẫn với con mình”, bà Loan nói.

THPT Nho Quan B (Ninh Bình), nơi xảy ra vụ việc thương tâm.

Cũng theo bà Loan, một điều vô cùng quan trọng là làm sao để xây dựng đội ngũ tham vấn tâm lý học đường một cách có bài bản. Từ đó, học sinh có thể chủ động nhận diện được những vấn đề mà các em đang gặp chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng” hay đánh nhau đến tử vong mới được tham vấn tâm lý.

“Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xoá bỏ nạn bạo lực học đường, theo tôi cần tập trung chăm sóc đời sống và sức khỏe tâm thần cho học sinh để giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học”, bà Loan nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc kiểm soát bạo lực học đường, bà Loan cho rằng, cần thay đổi nhận thức tổng thể và có sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội. Đặc biệt, mô hình hỗ trợ tâm lý học đường cần đẩy mạnh hơn nữa.  

Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục trường đại học Giáo dục (đại học Quốc gia Hà Nội), để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, bộ GD&ĐT đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường và những tiêu chí về một trường học an toàn, hạnh phúc.

“Đó là theo chủ trương, còn khi áp dụng vào thực tế mỗi trường lại làm khác nhau, việc triển khai chưa được đồng bộ, xuyên suốt trong các cấp học.

Theo tôi, quan trọng là vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Phải gắn trách nhiệm về bạo lực học đường cho người đứng đầu nhà trường. Bởi trên thực tế, dù có chủ trương tốt bao nhiêu nhưng nếu nhà trường không có kế hoạch triển khai cụ thể thì cũng không thể nào đi vào thực tiễn cuộc sống”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Hoàng Thanh

Mới đây tại Ninh Bình xảy ra việc xô xát giữa hai học sinh lớp 11 trường THPT Nho Quan B. Hậu quả là một em học sinh bị đâm vào động mạch cảnh và tử vong.

Trước đó, khoảng 9h ngày 26/11, trong giờ ra chơi, em N.V.V. (14 tuổi, lớp 9D trường THCS Châu Giang) xảy ra mâu thuẫn với N.T Đ. (học sinh lớp 9A).

Lúc này, Đ. cầm một viên đá ném trúng người em V., V. bực tức lấy một viên gạch ném mạnh xuống đất để hù dọa. Thấy vậy, Đ. liền lao vào đấm vào vùng đầu, gáy của V. khiến em này ngã xuống.

Sau đó gượng dậy đi được vài mét thì ngã gục xuống đất. Ngay lập tức, các thầy cô giáo đã đưa V. vào phòng y tế của trường sơ cứu rồi đưa sang trạm y tế phường nhưng khoảng 30 phút sau em V. đã qua đời.