Văn hoá

"Nhu cầu của du khách đã thay đổi sau Covid -19"

Tại diễn đàn Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới, các chuyên gia lữ hành đã đưa ra nhiều giải pháp để "vực dậy" du lịch sau dịch Covid-19.

Ngày 1/4, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam với chủ đề Phục hồi du lịch Việt Nam – Định hướng mới, hành động mới có sự góp mặt của ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch và đông đảo đại biểu, khách mời quan tâm sự kiện.

Ông Đoàn Văn Việt -Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đoàn Văn Việt -Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan. Từ tháng 10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP đã tạo cơ hội cho sự phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có du lịch. Đặc biệt, từ ngày 15/3, Việt Nam đã đã mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch, là dấu mốc quan trọng cho việc phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới".

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, sau thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3-4 năm để có thể phục hồi như mốc năm 2019. Đây cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến về định hướng mới cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới (chính sách, đầu tư, sản phẩm, thị trường, huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực). Đây là các điều kiện quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sau dịch Covid-19, nhu cầu của khách du lịch đã thay đổi.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá: “Đại dịch Covid – 19 như một cơn ác mộng với toàn thế giới trong hai năm qua. Hàng loạt ngành kinh tế trong đó có du lịch, hàng không bị tê liệt trong một thời gian dài, thiệt hại của Du lịch Việt Nam trong 2 năm qua đã đẩy lùi ngành kinh tế năng động, phát triển mạnh mẽ trước đây lùi lại hàng chục năm.

Sau thời gian dài tê liệt, không hoạt động, các doanh nghiệp, xương sống của ngành kinh tế du lịch sẽ không dễ dàng phục hồi được. Những thiệt hại to lớn từ dịch bệnh Covid – 19  sẽ mang lại các bài học gì cho ngành Du lịch? Ngành Du lịch làm gì để phục hồi và phát triển, trở thành ngành kinh tế xanh và từng bước chuyển thành ngành kinh tế số? Bài học từ những thành tựu to lớn của Du lịch trong giai đoạn 2017 -2019 sẽ có thể áp dụng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch không? Và cuối cùng kỳ vọng của Đảng, của cả xã hội với ngành Du lịch sẽ được các doanh nghiệp triển khai ra sao?

Những nội dung đó cho thấy để phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động. Đó là một công việc rất khó khăn phức tạp mà cả ngành nỗ lực cố gắng và khắc phục trong tương lai".

Chia sẻ về cơ chế hỗ trợ, tạo sức bật cho doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Thế Bình cho rằng: "Sau thời gian hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc khôi phục toàn ngành trong thời gian tới là điều vô cùng cần thiết. Do đó, những thảo luận tại hội nghị hôm nay mang tính cấp bách và vô cùng cần thiết. Tôi cho rằng sự phục hồi của toàn ngành du lịch chính là cơ sở và tiền đề thực tiễn trong hoạt động khôi phục du lịch, từ đó kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế khác trong tương lai".

Đánh giá về nguồn nhân lực của ngành trong thời điểm hiện nay, ông Vũ Thế Bình cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết của ngành. Bởi lẽ sau hai năm dịch bệnh, hơn 70% nguồn lao động của ngành đã không còn hoạt động. Do đó, các doanh nghiệp muốn phục hồi cần phải bổ sung nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần quá lo lắng, bởi lẽ du lịch cần có thời gian phục hồi. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch sẽ có thời gian phục hồi, chuẩn bị và bổ sung nguồn nhân lực lao động trong thời gian tới.

Ồn Vũ Thế Bình chia sẻ thêm: "Hiện nay, nhu cầu đi du lịch của du khách đã thay đổi sau dịch Covid-19. Trong xu thế mới, du khách có xu hướng tham gia các hoạt động du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch có chiều sâu với mong muốn trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng. Có thể thấy rằng hiện nay, khi đại dịch còn chưa kết thúc nhưng các điểm du lịch cộng động cùng là nơi thu hút đông đảo du khách. Đây là lợi thế lớn giúp chúng ta phát triển và phục hồi du lịch chung của ngành trong thời gian tới".

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, việc phục hồi và phát triển du lịch cần phải thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Tổng cục Du lịch xác định một số yêu cầu và định hướng đối với việc phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam. Cụ thể, việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, trong khu vực đang diễn ra gay gắt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại.

Về đi lại quốc tế, đến hết năm 2021 nhiều quốc gia đã bắt đầu mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ hoạt động du lịch, hàng không quốc tế do vaccine được tiêm phủ cao. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến việc xét nghiệm, hộ chiếu vắc-xin và việc đi lại giữa các nước vẫn bị hạn chế trong bối cảnh xuất hiện biến chủng Omicron và các biến chủng mới gần đây”.

Ông Khánh cho biết thêm, việc phục hồi và phát triển du lịch cần phải thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực, trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa đòi hỏi đảm bảo an toàn vừa phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Người làm du lịch phải không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.

Các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến thẳng thắn để góp phần phục hồi du lịch sau đại dịch.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch chia sẻ: "Đến nay, Quỹ đã đi vào hoạt động, sẽ góp phần phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch, khi các nguồn lực đã suy giảm đáng kể. Hoạt động của Quỹ cũng góp phần nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch, tăng cường hợp tác công-tư, tạo nguồn lực, cơ chế linh hoạt hơn trong cách hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch".

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtour cho biết: "Muốn có khách thì xác định ngay thị trường gần và nhóm đi gia đình để thu hút khách trong thời gian tới, nhất là dịp hè. Bên cạnh đó cũng xác định thị trường phát triển dài hạn để phát triển bền vững. Để làm được điều này cần sự hài hòa theo từng giai đoạn phát triển".

Còn ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, trong giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tạo ra các sản phẩm sáng tạo, tăng tính trải nghiệm mới thu hút được khách. Dù sau dịch, tất cả đều xuất phát từ con số 0 nhưng đơn vị nào biết tận dụng thời cơ, biến thách thức thành cơ hội sẽ đạt được thành công thời gian tới.