Góc nhìn luật gia

Nhóm thanh niên xăm trổ, đi "siêu xe biển khủng" đập phá cổng làng ở Thanh Hóa có thể bị xử lý thế nào?

Việc nhóm thanh niên xăm trổ đập phá cổng làng ở Thanh Hóa có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng. Tùy vào mức độ của hành vi mà có thể xử lý hành chính hoặc hình sự.

Ngày 29/8, Công an huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã triệu tập 11 đối tượng để làm rõ hành vi đập phá cổng làng Phúc Viên, xã Trường Minh vừa qua.

Trong 11 đối tượng bị triệu tập tới cơ quan công an lấy lời khai, điều tra, làm rõ vụ việc thì có 5 người được xác định là công nhân của mỏ đất trên địa bàn xã Trường Minh (công ty cổ phần KH GROUP).

Ngoài ra, Công an huyện Nông Cống cũng đã mời đại diện công ty có mỏ đất và chủ nhân 2 siêu xe mang biển “khủng” là Lexus 570 mang BKS: 36A – 299.99 và Peugeot mang BKS 36A – 417.16 bỏ lại hiện trường lên làm việc.

Chủ nhân 2 siêu xe Lexus 570 mang BKS: 36A – 299.99 và Peugeot mang BKS 36A – 417.16 khi được công an mời lên làm việc đều biết, họ cho các đối tượng trên mượn xe, chứ không liên quan tới vụ việc.

Vậy dưới góc nhìn pháp lý thì hành vi của nhóm thanh niên đập phá cổng làng ở Thanh Hóa có thể bị xử lý thế nào?

Nhóm thanh niên xăm trổ phá cổng làng bị hàng trăm người dân vây bắt. (Ảnh: VietNamNet)

Việc nhóm thanh niên xăm trổ đập phá cổng làng ở Thanh Hóa biểu hiện của hành vi gây rối trật tự công cộng. Tùy vào mức độ của hành vi mà có thể xử lý hành chính hoặc hình sự.

Theo đó, hành vi tụ tập đông người ở nơi công cộng gây mất trật tự sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Trường hợp bị xử phạt hình sự nếu hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

Khi xác định hành vi gây rối trật tự cần phải phân biệt với hành vi tuy có gây rối trật tự công cộng nhưng đã cấu thành một tội khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà họ đã thực hiện, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng thường là hành vi khởi đầu cho những hành vi phạm tội khác kế tiếp như: giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản…

Tuy nhiên, cũng có trường hợp từ hành vi phạm tội khác mà dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng như: tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép, đánh bạc, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ… Những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trong các trường hợp này là người có liên quan đến hành vi phạm tội khác nhưng vì không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm đó.

Hoàng Mai