Dân sinh

Nhóm “Dũng sĩ tái chế” biến rác thành tiền, đưa văn hoá đọc “đi muôn nơi”

Bằng sự sáng tạo của mình, nhóm “Dũng sĩ tái chế” (gồm 30 sinh viên tại Hà Nội) đã phát động nhiều chiến dịch thu gom rác thải từ vỏ mỳ tôm, quần áo cũ,… làm đồ tái chế, gây quỹ xây dựng điểm đọc sách miễn phí tại 40 tỉnh thành trên cả nước.

Tái chế xuyên mùa dịch Covid-19

Chia sẻ với PV Người đưa tin pháp luật, bạn Cao Thị Sao Mai (sinh năm 1998) – người sáng lập ra nhóm “Dũng sĩ tái chế” cho hay, nhóm được thành lập từ năm 2018 với mục tiêu thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho dự án "Điểm đọc Việt Nam".

Bạn Cao Thị Sao Mai, trưởng nhóm "Dũng sĩ tái chế" trao đổi với PV Người đưa tin Pháp luật

Hoạt động chính của nhóm là thu gom, nhặt từng vỏ gói mỳ ăn liền, bìa carton, vỏ chai, quần áo cũ... Chia sẻ về ý tưởng độc đáo này, Sao Mai cho biết thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, mọi người ở nhà nhiều hơn, do đó nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng tăng cao. Chính vì vậy, nhóm “Dũng sĩ tái chế” đã lên ý tưởng, tiến hành thu gom các vật phẩm đã qua quá trình sử dụng, chiến dịch tái chế xuyên mùa dịch cũng từ đó mà ra đời.

Quần áo cũ được các bạn trẻ “hô biến” thành những chiếc túi thời trang vô cùng tiện dụng.

Từ những vật liệu phế thải thu gom được, nhóm sáng tạo ra nhiều mặt hàng “handmade” rất đa dạng như ví, khăn, quần áo, túi xách,… Trung bình, mỗi món đồ tái chế được bán với giá dao động từ 50.000 - 200.000 đồng/sản phẩm. Từ bàn tay khéo léo của các “đại sứ môi trường”, những đồ phế thải tưởng chừng như vứt đi lại trở thành những vật dụng hữu ích và mang lại giá trị kinh tế, từ đó làm nguồn vốn cho dự án “Điểm đọc Việt Nam”.

Một sản phẩm được nhóm tái chế từ vỏ mỳ tôm

Nặng lòng với văn hoá đọc

Ngoài nhiệm vụ của những đại sứ môi trường, "Dũng sĩ tái chế" còn tiếp nối và phát huy sứ mệnh của "Điểm đọc Việt Nam", cùng góp sức cho dự án mở các thư viện miễn phí. Hiện tại, nhóm đã mở được 40 điểm sách miễn phí tại các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có 5 điểm sách tại Hà Nội.

Một trong 5 điểm đọc miễn phí tại Hà Nội

Là một người sinh ra từ vùng quê nghèo, Sao Mai luôn thấu hiểu và đồng cảm với sự thiếu thốn của những trẻ em ở vùng quê. Mai chia sẻ: “Sách là thứ khá xa xỉ với những trẻ em ở miền quê. Từ khi còn nhỏ, tôi đã nhen nhón giấc mơ đưa sách đến những miền quê nghèo, góp phần đưa văn hoá đọc gần hơn với mọi người. Đây cũng là mục tiêu và động lực giúp tôi kiên trì thực hiện dự án”.

Với khẩu hiệu “Khơi nguồn đọc sách - Kết nối yêu thương - Lan tỏa tri thức”, đối tượng của các điểm đọc không giới hạn độ tuổi, chỉ cần có tinh thần vì cộng đồng và yêu thích đọc sách. Ngoài ra, đây còn là nơi để mọi người cùng nhau chia sẻ những cuốn sách hay, từ đó cùng nhau trau dồi, nâng cao kiến thức. Ngoài cung cấp sách miễn phí, nhóm “Dũng sĩ tái chế” còn tổ chức những buổi đào tạo các kĩ năng như tin học, ngoại ngữ cho các em nhỏ.

Dự án không chỉ mang đến văn hoá đọc mà còn cung cấp nhiều kỹ năng như ngoại ngữ, tin học,...

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án, Sao Mai chia sẻ: “Khi mới bắt đầu thực hiện dự án, khó khăn lớn nhất đối với nhóm là vấn đề tài chính. Giai đoạn đầu, mình và những thành viên trong nhóm phải tự kiếm tiền để mua từng cuốn sách. Sau một thời gian hoạt động, được mọi người quyên góp và ủng hộ sách cũ nên mọi việc cũng thuận lợi hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã nhận được sự hưởng ứng của gần 4.000 người trên khắp mọi miền đất nước”.

Bên cạnh khó khăn về tài chính, cô bạn cũng cho hay, điều quan trọng nhất giúp nhóm hoạt động và phát triển chính là những người đồng hành thực sự tâm huyết và có lòng yêu sách. Bởi có rất nhiều người tham gia chỉ có hứng thú lúc ban đầu chứ không đủ nhiệt huyết và sự kiên trì để đồng hành cùng dự án.

Với sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết và tình yêu sách, "Dũng sĩ tái chế" - những đại sứ môi trường vẫn luôn ấp ủ ước mơ làm nên một cuộc cách mạng văn hóa đọc trong tương lai.

"Hướng phát triển trong tương lai của dự án là không tập trung về số lượng điểm đọc mà tập trung phát triển về chiều sâu, mang lại nhiều giá trị hơn cho mọi người", Sao Mai chia sẻ.