Tài chính - Ngân hàng

Nhóm 8 nhà đầu tư nước ngoài không còn là cổ đông lớn tại Sacombank

2 trong 8 thành viên nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu xuống 4,9469% cổ phần Sacombank và không còn là cổ đông lớn.

Theo thông tin gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; HoSE: STB), có 2 trong số 8 thành viên nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu STB.

Ngoài ra, thêm 1 thành viên mua thêm 200 nghìn cổ phiếu STB trong ngày 28/10/2022, dẫn tới nhóm 8 nhà đầu tư này chỉ còn sở hữu 4,9469% cổ phần ngân hàng và không còn là cổ đông lớn.

Cụ thể, công ty Grinling International Limited đã bán ra 2 triệu cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu từ mức 0,1432% xuống còn 0,0371%, tương đương 700 nghìn đơn vị. Bên cạnh đó, Hanoi Investment Holdings Limited cũng bán ra 500 nghìn cổ phiếu STB, giảm tỉ lệ sở hữu từ mức 0,7479% xuống còn 0,7214%, tương đương 13,6 triệu đơn vị.

Ngược lại, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] lại mua thêm 200 nghìn cổ phiếu STB, tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này từ mức 0,0638% lên 0,0744%.

Sau khi thực hiện các giao dịch này, nhóm 8 nhà đầu tư nước ngoài có liên quan đã giảm tỉ lệ sở hữu từ mức 5,0689% xuống còn 4,9469%, tương đương 93.259.800 đơn vị.

Theo thông tin từ Sacombank, nhóm 8 nhà đầu tư nước ngoài từng là cổ đông lớn của Sacombank, bao gồm CTBC Vietnam Equity Fund, Grinling International Limited, Hanoi Investment Holdings Limited, KN Vietnam Focus Balanced Fund, Norges Bank, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity], Vietnam Enterprise Investments Limited và Warecham Group Limied.

Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo tài chính quý III/2022 vừa được công bố, thu nhập lãi thuần quý này tăng đến 74%, đem về cho Sacombank gần 5.762 tỷ đồng.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 75%, ghi nhận 1.031 tỷ đồng, lãi từ hoạt đông kinh doanh ngoại hối tăng 46%, thu về 220 tỷ đồng.

Trong kỳ này, Sacombank dành ra 2.425 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, nhưng nhà băng này vẫn báo lãi trước thuế tăng đến 86%, đạt hơn 1.532 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sacombank thu được hơn 9.990 tỷ đồng lợi nhuận thuần. Tuy nhiên, ngân hàng đã chi hơn 5.550 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,3 lần cùng kỳ, nên chỉ thu được 4.440 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 37%.

 

So với kế hoạch 5.280 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, Sacombank đã thực hiện được 84% sau 9 tháng.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Sacombank nhích nhẹ 8% so với đầu năm, lên mức 564.193 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại các TCTD khác gấp 2,3 lần, đạt 17.462 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng nhẹ 8%, ghi nhận 420.748 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối quý III/2022, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng giảm đến 34% so với đầu năm, xuống còn gần 3.791 tỷ đồng. Đáng chú ý, tất cả nhóm nợ xấu đều giảm mạnh, đưa tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm của Sacombank từ mức 1,47% hồi đầu năm xuống còn 0,9% cuối tháng 9/2022.

Về nguồn vốn, các khoản nợ Chính phủ và NHNN giảm mạnh 90%, còn gần 52 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 7%, lên mức 457.890 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới cập nhật, công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá câu chuyện tái cấu trúc của Sacombank đang ở cuối lộ trình. Nhóm phân tích ước tính tổng tỉ lệ tài sản không sinh lời của nhà băng này giảm còn 3,2% vào cuối quý III/2022.

Tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ đang duy trì dưới 1%, trong khi đó ngân hàng vẫn tiếp tục xây dựng bộ đệm vững chắc bằng cách gia tăng tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay.

Yuanta cũng cho rằng định giá của cổ phiếu STB ở mức hấp dẫn. STB đang giao dịch với P/B 2022E là 0,8x, so với trung vị ngành là 1,0x. Trên thị trường, giá cổ phiếu STB đang tăng 2,4% lên mức 17.250 đồng/cổ phiếu.